Xe tải trong cuộc đua phát thải bằng 0
(Thứ hai, 24/07/2023 08:24 GMT+7)
Theo các chuyên gia, dù gặp nhiều thách thức nhưng với sự phát triển của công nghệ, ô tô tải điện sẽ là thị trường ‘giàu tiềm năng’ trong tương lai không xa.
Hoạt động trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối, công ty khởi nghiệp Packfleet có trụ sở tại London, (Anh) đang sử dụng hoàn toàn những chiếc xe tải điện thương hiệu Maxus, do Tập đoàn SAIC Motor của Trung Quốc sản xuất.
Xe tải hạng trung và hạng nặng chịu trách nhiệm
cho 22% lượng khí thải từ ngành vận tải toàn cầu - Ảnh REUTERS
Theo thống kê, Packfleet đạt tăng trưởng gấp 10 lần vào năm 2022. Công ty cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi đội xe 53 chiếc của mình trong năm nay.
Ông Tristan Thomas, Giám đốc điều hành Packfleet cho biết, doanh nghiệp muốn mang đến cho khách hàng, và cả người tiêu dùng một trải nghiệm giao hàng hoàn toàn mới, đó là vận chuyển không phát sinh khí thải: “Khi công ty tìm kiếm những chiếc xe tải điện đầu tiên vào cuối năm 2021, chúng tôi bị hầu hết các đại lý cười nhạo, bởi khi đó muốn có xe phải đặt hàng trước 12 tháng”
Tuy nhiên, thực tế chứng minh tầm nhìn xa của Packfleet khi thị trường vận chuyển hàng bằng xe tải điện ngày càng phát triển. Giờ đây, công ty cũng có thêm nhiều sự lựa chọn xe tải điện từ các hãng khác như Peugeot, Ford hay Citroen ECV.
Đại diện SAIC Motor cho biết, năm 2022, họ bán được 18.000 chiếc Maxus ở Tây Âu và khu vực Scandinavia, bao gồm cả xe buýt và bán tải điện. Công ty đang lên kế hoạch mở rộng thị trường hơn nữa sang các khu vực Trung Âu. Dữ liệu thống kế của Ủy ban Quốc tế về Giao thông sạch cho thấy, Maxus hiện chiếm khoảng 6% thị trường xe tải điện ở châu Âu.
Không chỉ Maxus, nhiều đối thủ cạnh tranh cũng đang nỗ lực giành thị phần, trong đó, các thương hiệu xe tải Geely và Farizon sẽ ra mắt tại châu Âu vào năm 2024.
Dù nguồn cung hiện đã khá đa dạng, nhưng ông Tim Albertsen, Giám đốc điều hành ALD, một trong những công ty cho thuê phương tiện lớn nhất châu Âu cho rằng, thời gian tới nhu cầu xe tải điện vẫn là rất lớn: “Chúng tôi vẫn cần các nhà sản xuất tăng tốc, bởi trong vài năm tới có thể sẽ không đủ nguồn cung xe tải điện”.
Thực tế, xe tải chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hệ thống các phương tiện giao thông. Ví dụ, tại thị trường Anh, chúng chỉ chiếm 1% tổng số lượng phương tiện. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, xe tải hạng trung và hạng nặng chịu trách nhiệm cho khoảng 22% lượng khí thải từ lĩnh vực giao thông vận tải toàn cầu.
Ủy ban châu Âu mới đây tuyên bố, các phương tiện vận tải hạng nặng sẽ phải giảm 45% lượng khí thải từ nay đến năm 2030 và 90% vào năm 2040. Trong khi đó, Mỹ và Anh cũng sẽ cấm bán xe tải chạy động cơ diesel chậm nhất từ năm 2040.
Ông Elon Musk, Giám đốc điều hành Công ty xe điện Tesla nhận định: “Dù chỉ chiếm 1% số lượng ô tô tại Mỹ nhưng xe tải chiếm đến 20% tổng lượng khí thải giao thông và hơn 1/3 lượng khí thải dạng hạt. Trên quan điểm sức khỏe, đặc biệt tại các đô thị, chúng gây tác hại rất lớn”.
Cuối năm 2022, Tesla lần đầu giới thiệu xe tải điện hạng nặng Tesla Semi. Những chiếc Tesla Semi đầu tiên được bàn giao cho hãng Pepsi tại một sự kiện ở bang Nevada, Mỹ.
Được biết, trước đó, vào tháng 12/2017, Pepsi đặt sản xuất 100 xe tải điện nhưng đến cuối năm 2022 mới nhận được xe. Nhiều khách hàng lớn khác như Anheuser-Busch, Walmart hay UPS cũng đang chờ được Tesla giao xe.
Theo các chuyên gia, ô tô tải điện sẽ là thị trường
‘giàu tiềm năng’ trong tương lai - Ảnh Shutterstock
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp xe tải điện đang tụt hậu khá xa so với ngành công nghiệp ô tô chở khách trong quá trình chuyển đổi, nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nguyên nhân một phần bởi chi phí sản xuất pin phải có điện năng cao hơn mới đủ sức vận chuyển hàng tấn hàng hóa trên quãng đường xa hơn.
Điều này cũng dẫn tới, chi phí mua xe tải điện đắt hơn đáng kể so với các dòng xe chạy bằng động cơ diesel thông thường, trong khi ngành vận tải hàng hóa hoạt động với tỷ suất lợi nhuận eo hẹp hơn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà khai thác xe tải điện sẽ cần nhiều chính sách ưu đãi hơn trong giai đoạn đầu phát triển của ngành.
Bà Sofie Defour, Giám đốc hãng vận tải hàng hóa Transport & Environment bày tỏ: “Có một khoảng cách lớn trong ngành xe tải giữa các nhà sản xuất có kế hoạch khử cacbon hoàn toàn và những nhà sản xuất không có kế hoạch. Do đó, châu Âu cần các tiêu chuẩn CO2 mạnh mẽ hơn dành riêng cho xe tải để đưa ngành công nghiệp này tăng tốc”.
Một số ý kiến cho rằng, tiến độ phát triển xe tải không phát thải còn chậm một phần do các nhà sản xuất vẫn chưa chắc chắn ‘xe điện chạy bằng pin hay hydro’ công nghệ nào sẽ chiếm ưu thế.
Dù hiện nay, xe điện đang trở thành xu thế chủ đạo đối với phương tiện chở khách khi chi phí giảm và phạm vi sử dụng của pin được mở rộng. Xe tải điện hạng nhẹ cũng chiếm ưu thế rõ ràng trong việc giao hàng ở khu vực đô thị. Nhưng khi di chuyển trên quãng đường dài, xe chạy nhiên liệu hydro cũng chứng minh được nhiều ưu điểm.
Ông Chris de Saxe, tới từ Trung tâm Vận tải đường bộ bền vững, thuộc Đại học Cambridge, Anh nhận định, việc mở rộng quy mô xe tải sẽ gây ra nhiều căng thẳng cho mạng lưới truyền tải, nhưng những thách thức nhỏ hơn so với hydro, nơi hiện hầu như không có cơ sở hạ tầng.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách ưu đãi về thuế nhằm thúc đẩy ô tô điện phát triển. Cụ thể ô tô điện chạy pin được miễn thuế trước bạ trong 3 năm, từ 1/3/2023. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu này sẽ bằng 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu cùng số chỗ ngồi.
Trong 2 năm trở lại đây, nhiều hãng xe đã giới thiệu những dòng sản phẩm động cơ điện, sử dụng năng lượng sạch tại thị trường Việt Nam.
Tại Triển lãm quốc tế Autotech & Accessories 2023 tổ chức mới đây tại TP.HCM, nhiều hãng xe điện Trung Quốc cho biết, đang ráo riết tìm kiếm đối tác để giới thiệu tại thị trường Việt Nam các mẫu xe điện chuyên dụng, xe tải điện hạng nhẹ để chở hàng hóa và ôtô điện vừa chở người vừa chở hàng.