Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện tại Việt Nam(Thứ ba, 14/11/2023 08:32 GMT+7)
Bộ Giao thông vận tải vừa phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện”. Hội thảo là dịp để các bên liên quan thảo luận các giải pháp nhằm hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông điện.
Hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng ôtô điện được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia mà việc áp dụng lộ trình phát triển ôtô điện ở từng quốc gia là khác nhau.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã và đang tích cực rà soát, tham mưu trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách về thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện như: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong giao thông vận tải. Tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe ôtô điện với một khung chính sách toàn diện, bao gồm: Chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng; chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện...; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn nhằm thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện, như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ôtô, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ... Hội thảo hôm nay để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi rõ hơn về các quy định, chính sách hiện có, đồng thời bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo.
Thị trường xe điện trên toàn thế giới đang phát triển với tốc độ nhanh trong suốt những năm gần đây, với doanh số vượt trên 10 triệu chiếc vào năm 2022. Cho đến hết năm 2022, xe điện chiếm 14% tổng doanh số bán xe mới toàn cầu, so với mức 9% vào năm 2021 và 5% vào năm 2020.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến nay đã khoảng 26 triệu xe điện được bán trên toàn cầu (bao gồm cả các xe plug-in hybrid), tăng 60% so với năm 2021. Trong năm 2023, dự đoán doanh số xe điện có thể đạt mức 14 triệu xe.
Nhu cầu xe điện cũng đang tăng mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Theo Công cụ theo dõi xe điện tại Đông Nam Á, doanh số bán xe điện chạy pin (BEV) quý II năm 2023 trong khu vực đã tăng hơn 8 lần nhờ nhu cầu mạnh mẽ tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Trước đó theo thống kê, năm 2022, doanh số xe điện (EV) tại Đông Nam Á chiếm khoảng 2% tổng doanh số bán ô tô. Trong đó, Thái Lan đứng đầu khi ôtô điện chiếm tới 58% doanh số bán ôtô, tiếp theo là Indonesia và Việt Nam với lần lượt là 19,5% và 15,8%.
Những năm qua, doanh số bán xe điện tại Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới khi hàng loạt mẫu xe điện được bán rộng rãi trên thị trường. Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe ôtô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nếu năm 2021, chỉ có 167 xe ôtô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì đến nay đã có khoảng 22 nghìn ôtô thuần điện, hơn 11 nghìn xe hybrid (kết hợp sử dụng xăng điện). Cả nước hiện cũng đã có hơn 2 triệu mô tô - xe gắn máy điện và hơn 700 nghìn xe đạp điện.
Gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp cũng bày tỏ mối quan tâm đối với thị trường các thiết bị và dịch vụ cho phương tiện điện, đặc biệt là trạm sạc cho xe ôtô điện. Hiện cả nước đang có khoảng 50 nghìn trạm sạc xe điện trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam. Tuy số lượng trạm sạc đang gia tăng đáng kể theo từng năm, nhưng cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam…
Ông Patrick Harverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe điện trong nước. Chính phủ cần đẩy nhanh các chính sách cơ bản, như phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, cùng với quy định mục tiêu bán hàng cho một số đơn vị sản xuất xe điện với số lượng phương tiện điện nhất định. Ngoài ra, các chính sách ngắn hạn như chính sách đỗ xe, quy định về những khu vực đặc thù, có thể giúp chính phủ Việt Nam đạt vượt mức các mục tiêu của mình.
Cũng theo Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, điều quan trọng là giảm chi phí của phương tiện điện thông qua phương thức hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Có nhiều lựa chọn chính sách khác nhau như giảm thuế, các khoản vay lãi suất thấp và trợ giá mua hàng. Những giải pháp này có thể giúp thay đổi các quan điểm xã hội, và cũng có thể tạo nên động lực mạnh mẽ vượt qua rào cản văn hóa, thay đổi nhận thức. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và xe buýt điện.
Là một quốc gia đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Việc thúc đẩy chuyển đổi sử dụng giao thông điện có thể coi là một bước đi tiên phong của ngành Giao thông vận tải nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Các đại biểu thảo luận, trao đổi tại Hội thảo.
Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy giao thông điện, TS Phạm Hoài Chung - Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đề xuất 04 nhóm chính sách về: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu; Khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng; Phát triển hạ tầng trạm sạc điện; Khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng điện.
Định hướng phát triển theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh ngành Giao thông vận tải, ông Đỗ Phan Anh - đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã xây dựng các nguyên tắc chuyển đổi như sau:
Một là, lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt sử dụng điện và xe buýt sử dụng năng lượng xanh (trong đó có CNG/LNG) đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng xanh theo các giai đoạn.
Hai là, các tuyến buýt mở mới ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh; ưu tiên trước cho các tuyến buýt có phạm vi hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm, khu vực nội đô lịch sử và các tuyến kết nối với đầu mối giao thông lớn.
Ba là, đảm bảo tính hiệu quả, hạn chế gây xáo trộn trong việc đi lại của hành khách, tránh lãng phí và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp vận hành; Đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực cũng như sử dụng hiệu quả kinh phí trợ giá của nhà nước cho hoạt động này.
Về lộ trình chuyển đổi dự kiến đang được Sở Giao thông vận tải nghiên cứu để chia thành từng giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn 1 (Từ năm 2025 đến năm 2030) với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 7,73%/năm; Số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm. Giai đoạn 2 (Từ năm 2031 đến năm 2035) với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 8,0%/năm; Số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm. Thời gian chuyển đổi và lộ trình chuyển đổi có thể thay đổi so với dự kiến; Cơ cấu tỷ lệ chuyển đổi của xe buýt điện, xe CNG/LNG trong toàn mạng sẽ được điều tiết, xác định phù hợp theo tình hình thực tế và khuyến khích tăng tỷ lệ chuyển đổi xe buýt năng lượng điện, năng lượng xanh.