Cao Bằng: Nỗ lực đảm bảo giao thông mùa mưa lũ(Thứ ba, 25/06/2024 08:44 GMT+7)

Ngành Giao thông vận tải (GTVT) Cao Bằng chủ động xây dựng kế hoạch; lên phương án phòng, chống thiên tai. Sẵn sàng ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố, nhất là các tuyến đường huyết mạch, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.


Trước tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, mùa mưa lũ năm nay đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm và được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn các yếu tố cực đoan. Với phương châm “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Cao Bằng chủ động xây dựng kế hoạch; lên phương án phòng, chống thiên tai. Sẵn sàng ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố, nhất là các tuyến đường huyết mạch, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.

Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 6 tuyến quốc lộ dài 714 km, 1.030 km đường tỉnh, 1.489 km đường huyện và hơn 4.092 km đường xã, đường thôn xóm. Với cấu tạo địa chất, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng thiếu đồng bộ, thường xuyên chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên tai như: lũ quét, ngập, sạt lở, sụt lún đất, đá… thì việc chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết là rất cần thiết. 

Sở GTVT phối hợp với chính quyền địa phương bố trí, huy động nhân lực, thiết bị, vật tư tại chỗ kịp thời ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ - chỉ huy tại chỗ - vật tư, hậu cần tại chỗ - thiết bị tại chỗ). Sẵn sàng chỉ huy ứng cứu, khắc phục thiệt hại trong mọi tình huống với thời gian ngắn nhất, bảo đảm giao thông thông suốt. Rà soát xác định rõ những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở trên tất cả các tuyến đường để chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng, chống, phương án khắc phục các vị trí xung yếu trên các tuyến đường. Chú ý các tuyến đường có nhiều đèo dốc nguy hiểm, nằm trong vùng thấp và đầu mối giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra nhiều đợt mưa to kéo dài, gây hiệt hại, hư hỏng nhiều công trình giao thông, làm xói trôi nền, mặt đường; hư hỏng cầu, cống; sụt lở, ách tắc giao thông trên nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Từ đầu năm đến nay, trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh do Sở GT-VT quản lý xảy ra sạt lở 43.449 m3 đất, đá tại 574 vị trí taluy dương; sạt lở 332 m tại 24 vị trí ta luy âm, gây tắc đường 8 vị trí, kinh phí khắc phục khoảng hơn 6,2 tỷ đồng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đợt mưa to, kéo dài từ ngày 6 - 10/6 và các nhà máy thủy điện xả lũ làm mực nước sông Gâm dâng cao gây ngập úng sâu từ  0,5 m - 2 m tại 5 vị trí trên tuyến Quốc lộ 34 (từ Km 77 + 200, Km 77 + 450, Km 82 + 800, Km 92 + 400, Km 83 + 150) khiến cho các phương tiện không thể di chuyển. 

Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng kịp thời huy động máy móc ứng cứu, khắc phục thiệt hại tại km 143 + 400 Quốc lộ 34.

Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng kịp thời huy động máy móc ứng cứu,

khắc phục thiệt hại tại Km 143 + 400 Quốc lộ 34.

Phó Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng Đàm Đức Văn cho biết: Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ngành chủ động xây dựng phương án sớm ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trên các tuyến đường với thời gian ngắn nhất. Tổ chức đoàn công tác kiểm tra trước, trong và sau thiên tai đánh giá hiện trạng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh thường xuyên xảy ra ngập nước, đất, đá lở khối lượng lớn, sụt taluy âm và taluy dương, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ như: kiểm tra cầu, kè, đường tràn, cống, nền đường, mặt đường, hệ thống báo hiệu đường bộ, đánh giá mức độ an toàn của các công trình, kịp thời phát hiện, xử lý các vị trí hư hỏng nền, mặt đường, cầu, cống, đường tràn, ngầm, các vị trí cần gia cố... 

Riêng đối với các tuyến có nguy cơ sạt lở cao như quốc lộ 4A, 34, đường tỉnh 202, 204, 209, 212, Sở chỉ đạo Ban Quản lý Bảo trì đường bộ tỉnh, các nhà thầu định kỳ sửa chữa; tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện và chủ động có những giải pháp xử lý kịp thời bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt. Cắm các loại biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, có người cảnh giới hướng dẫn giao thông, hót dọn đất, đá sạt lở bảo đảm thông đường và tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Lực lượng Thanh tra Sở chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng giao thông. Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những điểm nguy cơ cao, đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo đối với người tham gia giao thông... 

Theo ông Dương Văn Đức, Hạt trưởng hạt 5, Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng, đơn vị được giao quản lý và bảo trì hệ thống đường tỉnh 216 qua 2 huyện Hòa An, Hà Quảng. Trong tháng 5 và tháng 6/2024, tại một số vị trí dọc tuyến xảy ra hiện tượng sạt lở đất, đá tràn xuống lòng đường, gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, phần tatuy âm nhiều nơi xảy ra các vết nứt lớn, nếu không kịp thời khắc phục mặt nền đường sẽ yếu, nguy cơ hư hỏng nặng; một số vị trí kết cấu đất, đá yếu, có mạch nước ngầm chảy nên tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp. Để ứng phó kịp thời, Công ty chủ động chuẩn bị nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, biển báo… sẵn sàng ứng cứu, khắc phục thiệt hại trong mọi tình huống với thời gian ngắn nhất, bảo đảm giao thông thông suốt. Tại các điểm xung yếu, các đoạn đường hiểm trở bố trí máy ủi, máy xúc thường trực, dự phòng đá hộc, rọ thép tập kết tại các điểm nguy cơ cao khi có mưa bão xảy ra. Tổ chức trực ban 24/24 giờ theo quy định trong mùa mưa bão, theo dõi sát diễn biến, chủ động phương án ứng phó các tình huống thiên tai xảy ra tại 24 điểm sạt lở, vị trí có nguy cơ trượt sạt cao dọc tuyến. 

Sở GTVT chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái nắm bắt số lượng phương tiện của các đơn vị vận tải tham gia vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch vận tải, tiếp chuyển, di dời người, hàng hóa, hành khách khi có ách tắc do tai nạn nghiêm trọng, thiên tai xảy ra; chủ động bố trí, điều chỉnh vận tải trên các luồng, tuyến đảm bảo kịp thời và an toàn. Thường trực điều động phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; bố trí phương tiện vận tải tham gia ứng cứu, cứu hộ, sơ tán di chuyển người dân khi có lệnh điều động…

Theo Báo Cao Bằng