Để phát triển kinh tế xanh, TP.HCM cần phát triển giao thông xanh(Thứ hai, 26/08/2024 08:34 GMT+7)
Giao thông vận tải là một trong ba ngành có phát thải khí nhà kính lớn, chiếm 18,38% tổng lượng phát thải toàn cầu. Mục tiêu phát triển kinh tế xanh của TP.HCM hay cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam thành công hay không, phụ thuộc rất lớn vào việc chuyển đổi giao thông vận tải sang sử dụng năng lượng sạch.
Đây là những chia sẻ, sự trăn trở của lãnh đạo TP.HCM cùng các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải, tại Hội thảo khoa học: “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM” diễn ra chiều 22/8.
Tham dự và phát biểu tham luận tại hội thảo, ngoài các chuyên gia, nhà khoa học,
đại diện doanh nghiệp giao thông vận tải trong nước còn có chuyên gia nước ngoài, đại diện Ngân hàng thế giới. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, cách đây 20 năm (từ những năm 2005), dù nhà nước chưa có chủ trương nhưng TP.HCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khác nhau, hướng đến chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Trong đó, TP.HCM đã tập trung vào phát triển các loại hình giao thông công cộng hiện đại như: các tuyến Metro, xe buýt điện, xe buýt CNG, taxi điện, kết hợp với các kế hoạch kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tại các khu vực trung tâm.
Tuy nhiên, với đặc thù tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân tại TP.HCM cao hơn các địa phương trong khu vực, đây vẫn là nguồn phát thải chính carbon, gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân được cho là do cơ chế, chính sách hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn, để khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành thương hiệu xe điện BYD cho biết, hiện nay chính sách chung đối với xe điện thì có ưu đãi phí trước bạ là 0%. Tuy nhiên, chỉ có như vậy thôi thì vẫn chưa đủ để người tiêu dùng thấy hết được lợi ích của xe điện và sẵn sàng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Ngoài ra, theo ông Lực hiện nay phát sinh thêm vấn đề đó là việc rất nhiều chung cư, khu nhà cao tầng hay một số bãi xe không nhận trông giữ xe điện. Việc nhiều người quá sợ liên quan tới xe điện, thật sự đó là điều chưa thật sự đúng đắn.
Tham dự và phát biểu tham luận tại hội thảo, ngoài các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp giao thông vận tải
trong nước còn có chuyên gia nước ngoài, đại diện Ngân hàng thế giới. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Nhấn mạnh ngành giao thông vận tải là một trong ba đầu tầu để đạt mục tiêu thực hiện cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng không, các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi ý cho Chính phủ và TP.HCM các giải pháp từng bước chuyển đổi giao thông vận tải xanh, sạch.
Cụ thể là cần hoàn thiện khung pháp lý, quy chuẩn chung về xây dựng, vận hành hệ thống sạc cho xe điện trên toàn quốc; có cơ chế ưu đãi về thuế và tài chính nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện và thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này; dành quỹ đất xây dựng các trạm sạc, bến bãi; sớm ban hành luật cấm sản xuất và bán phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch; cải thiện công nghệ để giảm tiêu hao nhiên liệu hoá thạch và phát thải; phát triển giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu sạch,…
Đặc biệt theo các chuyên gia là cần có các dự án giảm phát thải, dần dà tạo lập sản phẩm tín chỉ carbon từ các giải pháp giao thông vận tải xanh, để bán trên thị trường. Điều này tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và giảm phát thải.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng,
ngành giáo dục phải đưa vấn đề giao thông xanh, sạch vào chương trình đào tạo. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng về lâu dài phải đưa vấn đề giao thông xanh, sạch vào chương trình giáo dục.
“Ngành giáo dục cũng cần phải nghiên cứu đưa vào giáo trình, chương trình dạy chính thức về nhận thức, ý thức, ý nghĩa, và tầm quan trọng của vấn đề giao thông xanh, sạch để các cháu từ nhỏ đã ý thức được. Hiện nay chúng ta chỉ mới dừng lại ở mô hình dạy, sinh hoạt cho các cháu chủ yếu về vấn đề an toàn về giao thông. Như cách ứng xử đối với đèn đỏ, vàng, xanh như thế nào, rồi rẽ trái, rẽ phải chứ chưa đi vào việc hiểu sâu sắc về giao thông xanh và sạch” - bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Theo thống kê đến cuối năm 2023, TP.HCM có khoảng 10 triệu phương tiện, trong đó có hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô. Mỗi năm, TP.HCM phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon, trong số này, ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, TP đặt mục tiêu đối với ngành giao thông vận tải phải cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí vào năm 2020.
Theo Vov.vn