Trung Quốc mở đường cao tốc với công nghệ hấp phụ CO2(Thứ sáu, 03/01/2025 08:38 GMT+7)
Mới đây, đoạn đầu tiên của đường cao tốc Tế Nam - Hợp Phì dài 152,7Km đã chính thức thông xe tại Trung Quốc.
Điểm đặc biệt của tuyến đường cao tốc này chính là việc nó được thiết kế để hấp thụ nhiều khí thải carbon dioxide (CO2) hơn mức nó phát ra, với khả năng giảm đến 9.000 tấn CO2 mỗi năm. Trung Quốc đang hướng tới việc mở rộng mô hình này ra toàn bộ mạng lưới đường cao tốc của đất nước, hiện đã đạt chiều dài 184.000 km và tiếp tục tăng thêm 6.000 km mỗi năm.
Tuyến cao tốc Tế Nam-Hợp Phì là tuyến âm khí thải CO2 đầu tiên thế giới.
Vận tải cơ giới, đặc biệt là xe tải, vẫn là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể, không chỉ từ các phương tiện mà còn từ cơ sở hạ tầng ven đường như trạm xăng, khu vực dịch vụ ô tô và các công trình dân cư. Vì vậy, dự án cao tốc xanh của Trung Quốc thực sự đáng chú ý.
Dự án đường cao tốc xanh này được phát triển bởi Tập đoàn Cao tốc Sơn Đông (SDHS). Đoạn đường được mở rộng thành 8 làn xe, với tốc độ tối đa 120 km/h. Tuyến đường có 2 bãi đỗ xe lớn, 3 khu dừng nghỉ và 10 trạm xăng. Năng lượng cho các khu vực xanh dọc tuyến đường được cung cấp từ các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Các tòa nhà, mái che xe, cầu vượt đều được trang bị tấm pin mặt trời, trong khi sạc cho xe điện cũng được cung cấp. Ngoài ra, các tua-bin gió nhỏ cũng được lắp đặt dọc đường để phát điện.
Tổng công suất của các tấm pin mặt trời dọc tuyến đạt 30 MW, với sản lượng hàng năm lên tới 33 GWh. Để đảm bảo cung cấp điện vào ban đêm, một mạng lưới lưu trữ với tổng công suất 9 MW và 18 MWh đã được thiết lập. Mặc dù chủ yếu là mạng lưới điện cục bộ nhưng tuyến cao tốc này vẫn có khả năng sử dụng dòng điện một cách hiệu quả.
Khả năng bù đắp giảm lượng khí CO2 của tuyến đường cao tốc Tế Nam-Hợp Phì
là 9.000 tấn mỗi năm.
Không gian xanh dọc tuyến đường là yếu tố chính trong việc hấp thụ CO2, trong khi các biện pháp xây dựng công trình được áp dụng nhằm giảm thiểu khí thải. Đặc biệt, đoạn đường này được giám sát bằng hệ thống camera, giúp theo dõi tình trạng và tối ưu hóa việc bảo trì, từ đó giảm thiểu khí thải không cần thiết.
Theo tính toán, đoạn đường cao tốc xanh này thải ra 13.600 tấn khí CO2 vào khí quyển mỗi năm, nhưng các công nghệ năng lượng sạch được triển khai có thể bù đắp tới 22.500 tấn khí CO2 mỗi năm, góp phần giảm thiểu 9.000 tấn CO2 hàng năm.
Theo PV-Magazine