Bộ Chính trị: Nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng các tác động để xác định địa điểm đặt sân bay thứ 2 tại Hà Nội(Thứ hai, 27/05/2024 07:48 GMT+7)
Bộ Chính trị lưu ý cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực đồng bằng Sông Hồng.
Tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối giao thông, logistics
Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nêu rõ, tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối giao thông, logistics để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ, hàng không, đường sắt của Thủ đô Hà Nội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước.
Thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hoà Lạc; đồng thời, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực đồng bằng Sông Hồng.
Đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua khu trung tâm thành phố Hà Nội
Bộ Chính trị cũng lưu ý, cần ưu tiên triển khai sớm việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị; riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban cán sự đảng Chính phủ, đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua Sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời, giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập.