Tổng kiểm tra, xử lý nghiêm bến thủy nội địa không phép(Thứ tư, 05/06/2024 11:03 GMT+7)

Sáng 4/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã chủ trì cuộc họp về tổng kiểm tra và xử lý cảng, bến không phép trên các tuyến đường thủy nội địa.


Hơn 1.900 bến thủy nội địa không phép

Tại cuộc họp, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, tổng số cảng, bến thủy nội địa đã được công bố, cấp phép và đang hoạt động là 5.553 cảng, bến, gồm 310 cảng và 5.243 bến có phép.

Tổng số bến thủy nội địa không phép trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 1.902 bến. Trong đó, 991 bến hết hạn hoạt động; 909 bến hoạt động không phép.

Riêng địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có 134 bến hết hạn hoạt động, hoạt động không phép. Trong đó, Bắc Giang có 82 bến nằm trên hai tuyến sông Thương và sông Lục Nam, sông Cầu. Bắc Ninh có 58 bến nằm trên hai tuyến sông Cầu và sông Đuống.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tiến hành

tổng kiểm tra cảng, bến không phép trên các tuyến đường thủy nội địa.

Thời gian qua, Cục Đường thủy nội địa VN và các chi cục, cảng vụ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế, xử lý cảng, bến không phép. Trong đó tăng cường kiểm tra, xử lý, gửi văn bản đề nghị địa phương xử lý; Hướng dẫn chủ bến hoàn thiện hồ sơ đối với các bến thủy đủ điều kiện hoạt động để được công bố hoạt động theo quy định...

Tuy nhiên, tình hình vẫn phức tạp do các bến không phép ngoài khu vực chi cục, cảng vụ được giao quản lý, chủ yếu thuộc địa bàn địa phương quản lý. 

Cơ quan này và chi cục, cảng vụ cũng đã có nhiều văn bản gửi địa phương xử lý, phối hợp xử lý, nhưng nhiều địa phương chưa tích cực vào cuộc.

Về nguyên nhân, ông Thu cho hay: Một số bến đã tồn tại lâu năm và nằm trong hành lang an toàn cầu, các công trình, đê điều, hành lang thoát lũ... 

Thủ tục giao đất của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhiều bến thủy nội địa được thông báo thu hồi hợp đồng thuê đất vì chính quyền địa phương cấp đất không đúng thẩm quyền và không đúng quy định tồn tại từ lâu chưa giải quyết được...

Mặt khác, lực lượng Thanh tra - An toàn đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa VN hiện không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ ngày 1/3/2024. 

Theo Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực không được giao là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trong khi trước ngày 1/3, lực lượng thanh tra đường thủy thuộc bộ máy tổ chức của chi cục.

Theo quy định mới, chỉ Thanh tra đường thủy trực tiếp Cục Đường thủy nội địa VN quản lý mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm và xử phạt.

Do vậy, việc kiểm tra của lực lượng thanh tra đường thủy hiện chỉ nhắc nhở vi phạm và kiến nghị các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương xử lý.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, theo quy định hiện hành, Cục Đường thủy nội địa VN quản lý luồng đường thủy nội địa trung ương, tức là luồng và hành lang an toàn. Từ biên hành lang ra đến bờ thuộc địa phương quản lý.

Trong khi bến không phép lại nằm ngoài luồng đường thủy quốc gia, nằm ngoài phạm vi thủy diện quản lý của cảng vụ. Do vậy, cần thiết có quy định để các đơn vị thực hiện được chức năng quản lý Nhà nước tại các khu vực ngoài phạm vi được giao.

Tổng kiểm tra trên tất cả các tuyến

Ghi nhận sự nỗ lực của Cục Đường thủy nội địa VN và các đơn vị trong quản lý cảng, bến cũng như kiểm tra, xử lý các vi phạm, tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu phải có giải pháp xử lý ngay, rốt ráo.

Thứ trưởng giao Cục Đường thủy nội địa VN xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra để Bộ chủ trì hoặc giao Cục chủ trì phối hợp với các địa phương, các lực lực lượng triển khai. 

Từ 1/7 đến 31/12/2024 tiến hành kiểm tra cuốn chiếu trên các tuyến, kết thúc năm 2024 phải hoàn thành toàn bộ.

"Phải đánh giá hiện trạng cảng, bến, phương tiện, khu neo đậu; Từ hiện trạng đó đánh giá nguy cơ mất an toàn và kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý", Thứ trưởng nói và yêu cầu làm rõ Bến nào phải đình chỉ? Bến nào có đủ điều kiện, có nhu cầu vận tải thực sự, thì có cấp phép được không, vướng ở đâu, xử lý thế nào? Xác định rõ trách nhiệm do đâu?

Thứ trưởng cũng lưu ý khi xử lý vi phạm và đình chỉ hoạt động phải đánh giá được tác động đến vận tải.

"Chúng ta tổng kiểm tra diện rộng, số lượng bến không phép, hết phép lên đến hàng nghìn. Nếu đình chỉ cả loạt có ảnh hưởng ra sao đến vận tải? Đoàn kiểm tra phải đánh giá được và đề xuất hướng xử lý, vì kiểm tra không phải chỉ để xử lý vi phạm mà thông qua kiểm tra phải đề xuất được giải pháp khắc phục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Với những cảng, bến đã có quy hoạch, đủ điều kiện cấp phép, Thứ trưởng gợi ý cần hướng dẫn chủ cảng, bến thực hiện các thủ tục theo quy định. Thực hiện chủ trương làm sao tập trung, thu hút được nhà đầu tư có năng lực đầu tư cảng, bến thủy.

Qua cuộc tổng kiểm tra sẽ đánh giá rõ được các tồn tại, vướng mắc, từ đó đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực đường thủy nội địa, tạo thuận lợi cho vận tải thủy phát triển an toàn, bền vững./.

Nguồn: Báo Giao thông