Gỡ vướng mặt bằng, vật liệu, đảm bảo tiến độ các tuyến cao tốc qua Đồng Nai(Thứ hai, 06/01/2025 08:39 GMT+7)
Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chủ động gỡ vướng, thực hiện nhanh các dự án giao thông, đặc biệt phải hoàn thành dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2025.
Ngày 5/1, Bộ trưởng Trần Hồng Minh làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan một số dự án trọng điểm qua địa bản tỉnh.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị xử lý vướng mắc
của những dự án giao thông qua địa phương.
Tại buổi làm việc, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, tuyến Quốc lộ 51 từ ngã tư Vũng Tàu đến nút giao cổng 11 ùn tắc nghiêm trọng, xuống cấp, bởi lưu lượng phương tiện quá lớn, vượt công suất thiết kế.
Để chuẩn bị cho sân bay Long Thành đưa vào khai thác cuối năm 2025, tỉnh đã triển khai nhiều phương án, trong đó có việc hướng đến đầu tư đường trên cao theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư 12.828 tỷ đồng. Quy mô dự án dài hơn 5,5km với hai nút giao lớn là Ngã tư Vũng Tàu vào cổng 11.
Việc đầu tư tuyến đường trên cao là cần thiết, vì hiện mặt bằng rất khó giải toả, khó đầu tư bằng hình thức PPP trên đường hiện hữu.
Dù chưa xác lập quyền sở hữu nhà nước, ngành GTVT cũng cố gắng sắp xếp
nguồn vốn để duy tu Quốc lộ 51, đảm bảo giao thông êm thuận, an toàn.
Tuy nhiên, việc thực hiện dự án theo phương thức BOT sẽ vướng mắc về mặt pháp lý, đồng thời, bị trùng với dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 51 (từ Km 0+900 - Km 5+500) chưa được Cục Đường bộ Việt Nam thanh lý hợp đồng với Công ty BVEC, chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Tỉnh Đồng Nai đề xuất, Bộ GTVT cập nhật 5,5km đầu tuyến của quốc lộ 51 thành đường cao tốc đô thị trên cao vào Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đang được Cục Đường bộ Việt Nam lập quy hoạch. Địa phương sẽ cập nhật phạm vi 2 nút giao, đường trên cao vào quy hoạch chung TP Biên Hoà.
Về thẩm quyền quản lý, trong trường hợp Bộ GTVT đề xuất giao địa phương triển khai thực hiện dự án theo hình thức PPP, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn tất việc đàm phán, thanh lý hợp đồng BOT dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 51. Sau khi dự án được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tỉnh xin tiếp nhận quản lý tuyến Quốc lộ 51 đoạn từ Km 0+000 - Km 5+500 để triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ GTVT bổ sung hạng mục đầu tư cầu vượt của dự án vào dự án BOT Quốc lộ 1, đoạn tránh TP Biên Hoà. Trường hợp đưa hạng mục cầu vượt này vào dự án PPP do địa phương triển khai, kiến nghị Bộ GTVT có hướng xử lý việc trùng lắp giữa 2 dự án BOT.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị xử lý dứt điểm vướng mắc tại DA nâng cấp QL51
Ngoài dự án trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị Bộ GTVT xem xét, triển khai đầu tư nút giao tuyến ĐT770B với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương (dự kiến khoảng 397 tỷ đồng).
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận giao Ban Quản lý dự án 85 bổ sung phần bồi thường giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đơn nguyên cầu còn lại tại vị trí nút giao giữa tuyến ĐT770B với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1 (dự kiến chi phí khoảng 204 tỷ đồng).
Ngoài ra, tỉnh đề xuất Bộ GTVT tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sửa chữa cải tạo mặt đường, sơn lại vạch sơn tuyến quốc lộ 51 để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu quản lý đường bộ 4 cho biết, từ khi dừng thu phí quốc lộ 51, nhà đầu tư không tổ chức duy tu khiến tuyến đường xuống cấp. Trước tình hình đó, Khu quản lý đường bộ 4 đã yêu cầu các đơn vị quản lý tuyến bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng.
Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Bộ Tài chính đề nghị thực hiện các thủ tục xác lập sở hữu toàn dân với Quốc lộ 51 để Cục Đường bộ Việt Nam có cơ sở bố trí vốn duy tu hàng năm. Trước mắt, trong năm 2025, bố trí 80 tỷ đồng đề khắc phục những điểm hư hỏng.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho hay, Ban đang triển khai dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, năm 2025 bắt đầu thi công phần đá. Sau khi khảo sát, đá được xác định ở các nguồn tại tỉnh Bình Dương, Kiên Giang nhưng vẫn còn thiếu, cần huy động ở Đồng Nai khoảng 1 triệu m3.
Ông Thi đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ, làm việc với các chủ mỏ đá trên địa bàn tỉnh để cân đối, thống nhất giao nhiệm vụ cụ thể cho các chủ mỏ ưu tiên nguồn đá khai thác được; cung cấp cho dự án với khối lượng khoảng 1 triệu m3.
"Ở Bình Dương, tỉnh có chỉ đạo trực tiếp các mỏ đá phân bổ khối lượng xuống cho những dự án của Bộ GTVT, lúc đó việc triển khai cấp đá được ưu tiên, không phải xếp hàng chờ đợi. Vì vậy, kiến nghị tỉnh Đồng Nai có chỉ đạo cụ thể các mỏ đá trên địa bàn cấp cho những dự án cao tốc của Bộ GTVT", ông Thi nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.HCM kiến nghị tỉnh Đồng Nai sớm có các thủ tục bố trí đất cho nhà trường tại khu vực quy hoạch đất giáo dục để xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt tốc độ cao.
Hiện nay, các dự án cao tốc ở phía Nam chuẩn bị vào giai đoạn thi công đại trà nền đường cấp phối, vì vậy cần khối lượng đá rất lớn. Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đồng Nai có chỉ đạo các mỏ trong việc ưu tiên cấp đá cho dự án. Trong ảnh là thi công thảm bê tông nhựa những kilomet đầu tiên của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị làm việc lại với chủ đầu tư BVEC để xác lập sở hữu toàn dân với tuyến đường này. Sau khi xác lập quyền sở hữu toàn dân, sẽ bàn giao cho địa phương quản lý để chủ động trong việc duy tu, bảo dưỡng hằng năm.
"Cố gắng trước 30/4 phải hoàn thành, bàn giao, nếu sớm hơn nữa càng tốt", Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu Cục Đường bộ Viêt Nam làm việc với nhà đầu tư BVEC, trên tinh thần hài hoà, đảm bảo lợi ích nhà đầu tư và Nhà nước. Trường hợp nhà đầu tư vẫn dây dưa, kéo dài thời gian, Bộ sẽ mời các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm.
Về việc đầu tư xây dựng đường trên cao dọc theo quốc lộ 51, đoạn từ Ngã tư Vũng Tàu đến nút giao cổng 11 theo phương thức đối tác công tư, Bộ trưởng đánh giá rất cần thiết, sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm tại khu vực này.
Đồng thời, nguồn vốn trung hạn của ngành giao thông cũng khó khăn, vì vậy địa phương cần chủ động làm việc với nhà đầu tư để huy động nguồn vốn. Với những thủ tục pháp lý liên quan Bộ GTVT, Bộ sẽ yêu cầu các đơn vị phối hợp xử lý nhanh.
Đối với tuyến ĐT770B và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng ủng hộ thực hiện dự án. Đề nghị tỉnh Đồng Nai làm văn bản đề xuất, trong đó nêu rõ tỉnh sẽ bố trí bao nhiêu vốn để triển khai, kiến nghị những nội dung gì để Bộ GTVT xem xét, xử lý.
Hiện nay, nhiều dự án cao tốc ở miền Nam như Biên Hoà - Vũng Tàu, Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, sân bay Long Thành tăng tốc, sẽ về đích trong năm 2025 nên cần khối lượng đá rất lớn. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Nai hỗ trợ về thủ tục, chỉ đạo các mỏ đá cung cấp cho những dự án của Bộ GTVT để đạt mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc trong năm 2025.
Tỉnh cũng cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu để dự án này kịp hoàn thành khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác cuối năm 2025.
P.V