Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Đổi mới tư duy, cách làm, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt(Thứ bẩy, 11/01/2025 11:18 GMT+7)

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Minh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức vào chiều ngày 10/1.


Vươn lên làm chủ công nghệ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá cao các kết quả mà Ban QLDA Đường sắt đã đạt được trong năm 2024. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Ban đã nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh quản lý các dự án đang triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ giải ngân đạt cao đến 95%, Ban đã làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án theo đúng tiến độ.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã trình Bộ GTVT, theo kế hoạch tháng 1/2025 trình Chính phủ, Bộ Chính trị, tháng 2 trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị Ban QLDA Đường sắt đổi mới,
nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án, đảm bảo an toàn mọi mặt

Nhiệm vụ thời gian tới rất nhiều thách thức, Bộ trưởng nhấn mạnh: Ban QLDA Đường sắt phải đoàn kết, trên dưới đồng lòng, đổi mới tư duy, cách làm, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, nhưng phải đảm bảo an toàn mọi mặt, bao gồm cả an toàn quyết toán. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Riêng với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án lớn, mới và rất phức tạp, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA đường sắt phải đầu tư khoa học công nghệ (KHCN), đào tạo nhân lực bài bản, đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật. Phải xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức, đơn giá… làm cơ sở để lựa chọn công nghệ.

Bộ trưởng chỉ đạo Ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tham mưu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội, tiếp theo là các hướng dẫn triển khai.

Giám đốc Ban QLDA Đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết,
năm 2025 đặt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt Vũ Hồng Phương kêu gọi toàn thể CBNV đoàn kết, nỗ lực vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ thời gian tới.

Mục tiêu năm 2025, tập thể Ban phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ giao, các kế hoạch, nhiệm vụ đề ra đảm bảo tiến độ, chất lượng. Sớm hoàn thành kiện toàn mô hình tổ chức, nhân sự của Ban theo mô hình, chức năng, nhiệm vụ mới, đảm bảo năng lực quản lý đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2025 được cấp thẩm quyền giao. Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hoàn thành các nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao đúng tiến độ. Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành các thủ tục để khởi công dự án vào cuối năm 2025.

Công tác chuẩn bị đầu tư dự án được thực hiện khẩn trương, bài bản

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết, năm 2024, Ban được giao quản lý 2.447 tỷ đồng với vốn trong nước là 2.057 tỷ đồng và 390 tỷ đồng vốn ODA.

Đến hết năm tài khóa 2024, công tác giải ngân của Ban cơ bản đạt được kế hoạch đề ra, trừ một số địa phương có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và do giảm giá trị gói thầu sau đấu thầu.

Công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện hết sức khẩn trương, bài bản, chặt chẽ, quyết liệt đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ.


Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy dự Hội nghị tổng kết
công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ban QLDA đường sắt

Đặc biệt, với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, Ban đã cùng các cục, vụ tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao của các nước trên thế giới, tham gia nhiều đoàn công tác liên ngành để trực tiếp khảo sát và xây dựng các kịch bản để thực hiện.

Đồng thời, chuẩn bị nội dung, tham dự nhiều cuộc họp, hội thảo, các buổi trao đổi chuyên sâu với các chuyên gia, các hiệp hội, Hội đồng thẩm định nhà nước, các Ủy ban của Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện và được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 30/11/2024.

Đối với Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Ban đã chỉ đạo tư vấn rút ngắn thời gian lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ 9 tháng xuống còn 3 tháng. Đến nay, đã hoàn thành, trình Bộ GTVT.

Trong thời gian ngắn, Ban đã hoàn thành và được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hai dự án đường bộ; Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã trình Bộ GTVT thẩm định nội bộ, lập và phê duyệt văn kiện phi dự án hỗ trợ kĩ thuật. Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và Biên Hòa - Vũng Tàu đã trình Bộ GTVT báo cáo cuối kỳ; Dự án Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh để báo cáo Bộ GTVT.

Công tác quản lý tiến độ, chất lượng, an toàn các dự án luôn được Ban chú trọng; giao nhiệm vụ cho các giám đốc dự án thường xuyên bám sát hiện trường để kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát tiến độ, chất lượng, an toàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Ngoài ra, theo ông Phương, việc hoàn thành bàn giao các dự án 7.000 tỷ về cơ bản giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu; Từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m; Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông; Tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm.

Hiệu quả về năng lực vận tải, trên trục đường sắt Bắc - Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến sẽ tăng 1,3 - 1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần; Nâng tốc độ chạy tàu trên toàn tuyến, rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh cho khu vực, thay đổi diện mạo ngành đường sắt.

Nguồn: Báo Giao thông