Tiết kiệm năng lượng kiểu mới (Thứ ba, 19/02/2013 07:54 GMT+7)
Mô hình dịch vụ giúp tiết kiệm năng lượng cao mang tên ESCO đang được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm vì hiệu quả, tiện lợi
Mô hình dịch vụ giúp tiết kiệm năng lượng cao mang tên ESCO đang được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm vì hiệu quả, tiện lợi
Tiết kiệm năng lượng (TKNL) bị hao phí nhờ vào việc đầu tư nâng cấp, trang bị hệ thống thiết bị mới với mức đầu tư chỉ bằng 20% - 30% giá trị của hệ thống hoặc thậm chí hoàn toàn miễn phí là giải pháp xanh có thể giúp tiết kiệm hơn 70% điện năng. Tất cả là nhờ ESCO (Energy service company - doanh nghiệp thương mại chuyên thực hiện gói dịch vụ năng lượng), một mô hình dịch vụ TKNL hiệu quả, mới mẻ đang manh nha phát triển tại Việt Nam.
Cung cấp các giải pháp toàn diện
Ông Trần Hiếu Trung, Trưởng Phòng Kinh doanh của Trung tâm TKNL TPHCM (ECC-HCMC, trực thuộc Sở Khoa học - Công nghệ - TPHCM), cho biết ESCO là mô hình cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án TKNL, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng... giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp (DN). Các khoản tiết kiệm chi phí năng lượng sẽ được sử dụng để hoàn trả vốn đầu tư trong vòng 5 - 10 năm.
Đây là mô hình kinh doanh về TKNL đã được ứng dụng nhiều trên thế giới, đặc biệt là tại các nước công nghiệp phát triển. Cụ thể, ESCO sẽ giúp các DN thực hiện trọn gói dự án TKNL (kể cả cung cấp tài chính cho dự án).
Có hai dạng dự án TKNL chính từ ESCO, một là bảo lãnh hiệu quả năng lượng - tức là khách hàng là người đầu tư, ESCO làm kiểm toán năng lượng và bảo đảm về mức năng lượng tiết kiệm được. Hai là ESCO đầu tư toàn bộ dự án TKNL, mức tiết kiệm thu được sẽ chia theo tỉ lệ giữa ESCO và DN. Như vậy, ESCO kinh doanh trên hiệu quả năng lượng tiết kiệm được mà DN không cần phải đầu tư mà vẫn có thể hưởng lợi. Sự khác biệt của ESCO so với các dịch vụ TKNL khác là tính toàn diện, từ kiểm toán đến triển khai đầu tư các giải pháp, thiết bị hạ tầng,… cho dự án TKNL của DN.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Solar - BK TPHCM, cho biết: “Bằng việc áp dụng mô hình ESCO, các DN có thể tiếp cận các giải pháp xanh với chi phí đầu tư tốt nhất và đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, lợi ích quan trọng nhất của mô hình này chính là quản lý rủi ro về tài chính. Đồng thời, giải pháp ESCO còn giúp DN có điều kiện tham gia hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu”.
Cần hỗ trợ nhân rộng
Hiện Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ triển khai thí điểm mô hình ESCO theo chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2012 cho Công ty Solar - BK TPHCM thực hiện. ECC-HCMC cũng đã thiết lập hẳn một bộ phận chuyên làm ESCO có tên là Viet ESCO để giúp đưa giải pháp ESCO triển khai rộng khắp.
Theo bà Võ Thị Bạch Tuyết, Phó Giám đốc khách sạn Palace Vũng Tàu, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời đã giúp khách sạn tiết kiệm được trên 70% chi phí điện năng hằng năm. Ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Rex - TPHCM, cho biết: “Do hiểu rõ tính khả thi của ESCO nên chúng tôi đã đầu tư hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời Solar-BK từ rất sớm. Hệ thống hoạt động ổn định, hiệu quả dự án cao, thời gian thu hồi vốn nhanh”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết giải pháp ESCO đun nóng nước bằng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm hơn 70% chi phí điện năng đang được áp dụng thành công tại hàng loạt khách sạn ở TPHCM như Majestic, Rex, Continental, Sunrise Nha Trang, Morin Huế, nhà máy sữa Vinamilk, Trường Mầm non bán công TPHCM… Ông Trần Hiếu Trung cho hay theo lộ trình trong năm nay, dự định có 10 - 15 DN sẽ là khách hàng của ECC-HCMC. Hiện ECC-HCMC đã triển khai được một số hợp đồng với các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp, các tòa nhà, khách sạn, chiếu sáng công cộng…
Tuy nhiên, ông Trần Hiếu Trung cũng cho biết ESCO tại Việt Nam còn khá mới mẻ, thông tin chưa đầy đủ trên thị trường, cộng thêm DN chưa thực sự nhận thức tốt về lợi ích từ các giải pháp TKNL mang lại… là những khó khăn khi tư vấn thuyết phục các DN lựa chọn ESCO. Mặt khác, chưa có những định chế chính sách rõ ràng, các ngân hàng liên kết cũng chưa biết phải thẩm định ra sao các dự án này bởi chưa quen với hình thức kinh doanh TKNL…
Năm 2007, tại Nhật Bản đã có 353 triệu USD được đầu tư vào ESCO, tại Hàn Quốc năm 2008 là 112 triệu USD, tại Mỹ năm 2006 là 3,6 tỉ USD, tại Thái Lan năm 2006 là 87 triệu USD.