Công bố kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam (Thứ hai, 22/04/2013 08:13 GMT+7)
Bộ TNTM vừa công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam năm 2012.
Bộ TNTM vừa công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam năm 2012.
Phát biểu khai mạc, GS Trần Thục - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính toàn cầu theo 3 mức: Thấp- Trung bình- Cao.
So với Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật năm 2009, thì kịch bản lần này được bổ sung dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu và các phương pháp tính toán mới.
Theo phương pháp tính toán này, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng chia thành 7 khu vực bao gồm: Móng Cái đến Hòn Dáu; Hòn Dáu đến Đèo Ngang; Đèo Ngang đến Đèo Hải Vân; Đèo Hải Vân đến Mũi Đại Lãnh; Mũi Đại Lãnh đến Mũi Kê Gà; Mũi Kê Gà đến Mũi Cà Mau; Mũi Cà Mau đến Hà Tiên.
Việc phân chia thành 7 khu vực giúp việc tính toán mực nước biển dâng chi tiết, cụ thể hơn, đồng thời thuận lợi để phối hợp xây dựng giải pháp ứng phó mang tính liên tỉnh.
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2012 cũng cho biết, đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam tăng 2-3°C trên phần lớn diện tích cả nước, lượng mưa năm tăng từ 2-7%.
Về nước biển dâng, vào cuối thế kỷ XXI, ở ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng từ 57-73cm, khu vực Cà Mau và Kiên Giang có mực nước biển tăng cao hơn so với các khu vực khác.
Ông Trần Thục cũng cho biết, Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu sẽ công bố kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực trong báo cáo đánh giá lần thứ 5 vào cuối năm 2014. Do đó Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam sẽ tiếp tục được cập nhật vào năm 2015./.
Nguồn: VOV online