Bảo vệ môi trường trong hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng giao thông(Thứ ba, 28/05/2013 07:53 GMT+7)

Hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm các hoạt động xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ, cảng biển và sông, ga hàng không và đường sắt, sân bay, cầu và hầm đường bộ, đường sắt...

Hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm các hoạt động xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ, cảng biển và sông, ga hàng không và đường sắt, sân bay, cầu và hầm đường bộ, đường sắt... Trong quá trình thực hiện các hoạt động này đã gây ra một số tác động đến môi trường khu vực thi công như tác động đến môi trường không khí, đặc biệt là hoạt động xây dựng và nâng cấp đường bộ với nguồn phát thải bụi từ các hoạt động đào đắp đất đá, vận chuyển nguyên vật liệu; Tác động đến người dân xung quanh khu vực dự án do mức ồn, rung phát sinh từ các loại thiết bị thi công công trình giao thông; Tác động đến môi trường nước bởi rác và phế thải tràn đổ hoặc bồi lắng, xói do mưa. Đặc biệt hoạt động nạo vét từ các dự án xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa và hàng hải còn có nguy cơ làm tăng độ đục của nước lên gấp khoảng 10-12 lần, làm thay đổi giá trị pH của nước (chủ yếu gây axit hóa đất và nước), gây phèn hóa, tăng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sự phát triển các sinh vật nhạy cảm như trứng cá, cá con, động vật và thực vật phù du; gây xáo trộn lớp trầm tích đáy; chuyển dịch các các chất ô nhiễm trong trầm tích đáy… Ngoài ra, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn tác động rất lớn đến tài nguyên đất, rõ ràng nhất là chiếm dụng đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó là nguy cơ làm suy thoái môi trường đất do hậu quả của hiện tượng axit hoá và xâm nhập mặn. Hiện tượng này rất phổ biến đối với các hoạt động nạo vét luồng sông và cảng, đặc biệt là tiến hành nạo vét trong các vùng rừng ngập mặn, vùng cửa sông ven biển, các vùng đất chua phèn. Bùn nạo vét là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất khu vực bãi chứa (gây ra hiện tượng phèn và axit hóa bãi chứa). Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông cần một khối lượng rất lớn vật liệu xây dựng như đất, đá và cát. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu được vận chuyển từ các mỏ đất, đá, còn cát thì đang được khai thác chủ yếu trên các tuyến sông. Hiện nay, nguồn đất, đá, cát cho hạ tầng giao thông đang bị thu hẹp nhanh, một số vùng đã phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Để khắc phục và giảm nhẹ những tác động tiêu cực nêu trên, đã có nhiều giải pháp được tiển khai khi thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như: Các dự án quy hoạch, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được phê duyệt sau năm 2009 đều phải lập báo cáo ĐMC, ĐTM hoặc CKBVMT, thực hiện quan trắc và giám sát môi trường theo quy định, góp phần kiểm soát chất thải, hạn chế ô nhiễm trong hoạt động xây dựng; Tăng cường công tác thẩm định báo cáo ĐTM; Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới thân thiện với môi trường... Tuy nhiên để công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện tốt hơn cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Chủ đầu tư trong hoạt động ĐMC, ĐTM, CKBVMT, Đề án BVMT cho các dự án. Ngoài ra cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để lựa chọn tư vấn môi trường cả tư vấn lập báo cáo ĐMC, ĐTM, CKBVMT, Đề án BVMT và tư vấn quan trắc, giám sát môi trường cũng như thực hiệ,n tốt công tác tham vấn cộng đồng nhằm mục tiêu đánh giá hết được những tác động của dự án tới môi trường tự nhiên và môi trường xã hội,  tạo ra sự đồng thuận của xã hội đối với dự án. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý môi trường như Bộ TNMT, Sở TNMT các địa phương với Bộ GTVT, xây dựng và duy trì vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu về công tác thẩm định báo cáo ĐMC, ĐTM và sau thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án ngành GTVT để có thể theo dõi, quản lý một cách hệ thống.
MT