Thực hiện tốt công tác đăng kiểm khí thải phương tiện thủy(Thứ ba, 04/06/2013 07:47 GMT+7)

Thực hiện công ước quốc tế MARPOL 73/78, phụ lục VI về các quy định ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra, với chức năng của mình, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo đăng kiểm các sản phẩm là động cơ đi-ê-zen lắp đặt trên các tàu biển chạy tuyến quốc tế có công suất lớn hơn 130 kw và lắp đặt trên tàu được đóng mới hoặc hoán cải từ 1/1/2000 trở về sau phải có chứng nhận phù hợp yêu cầu

Thực hiện công ước quốc tế MARPOL 73/78, phụ lục VI về các quy định ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra, với chức năng của mình, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo đăng kiểm các sản phẩm là động cơ đi-ê-zen lắp đặt trên các tàu biển chạy tuyến quốc tế có công suất lớn hơn 130 kw và lắp đặt trên tàu  được đóng mới hoặc hoán cải từ 1/1/2000 trở về sau phải có chứng nhận phù hợp yêu cầu. Từ ngày 1/1/2011 đến nay. Tất cả động cơ có công suất lớn hơn 130 Kw được lắp trên tàu biển, tàu sông hay công trình biển đều được kiểm tra và chứng nhận phù hợp với công ước.
Bên cạnh việc kiểm tra, đăng kiểm động cơ thủy, công tác thẩm định thiết kế và tài liệu của tàu biển liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường bao gồm: thẩm định thiết kế các trang thiết bị phòng ngừa ô nhiễm môi trường (máy phân ly dầu nước, máy xử lý nước thải, động cơ diesel, lò đốt chất thải của tàu, hệ thống theo dõi và kiểm soát thải dầu, hệ thống xử lý nước dằn, các loại sơn chống hà, hệ thống điều hoà không khí, hệ thống và thiết bị cứu hoả, …); thẩm định thiết kế tàu biển (kết cấu phương tiện, bố trí các trang thiết bị và hệ thống phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên phương tiện); và thẩm định các kế hoạch/ sổ tay phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển (kế hoạch ứng cứu ô nhiễm biển, kế hoạch quản lý chất thải từ tàu, kế hoạch quản lý hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, kế hoặch quản lý chất làm suy giảm tầng ôzôn, kế hoạch quản lý nước dằn, kế hoặch quản lý rác thải, kế hoạch tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường, danh mục các loại vật liệu nguy hiểm của tàu, …) cũng được Cục hết sức quan tâm. Cục đã thành lập một bộ phận chuyên môn bao gồm các chuyên gia đầu ngành để thực hiện công tác thẩm định thiết kế và tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường của tàu biển, phù hợp với các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế. Đây là công việc rất quan trọng, là bước đi đầu tiên để đảm bảo các trang thiết bị và phương tiện tuân thủ các quy định về phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khâu thiết kế. Thông qua công tác thẩm định thiết kế phương tiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có nhiều ý kiến tư vấn xác đáng nhằm làm tăng hiệu suất sử dụng của trang thiết bị và phương tiện, góp phần làm giảm lượng tiêu hao nhiên liệu và làm giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Một vấn đề cũng rất quan trọng trong công tác đăng kiểm khí thải phương tiện thủy là giám sát và chứng nhận trong quá trình chế tạo các trang thiết bị của tàu biển liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.
Trên tàu biển có rất nhiều các trang thiết bị phải được giám sát và chứng nhận trong quá trình chế tạo liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường: động cơ diesel chính, phụ, thiết bị xử lý nước thải, dầu thải, rác thải, nước dằn, thiết bị dập cháy, thiết bị điều hoà, sơn chống hà, thiết bị xử lý nước dằn, thiết bị theo dõi và kiểm soát thải dầu cặn, ... Ngoại trừ một số ít máy phân ly dầu nước được sản xuất trong nước, còn hầu hết các trang thiết bị nêu trên đều được chế tạo tại nước ngoài. Trên cơ sở thiết kế đã được thẩm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức giám sát chặt chẽ để cấp giấy chứng nhận phù hợp bảo vệ môi trường cho các trang thiết bị liên quan. Đối với các trang thiết bị chế tạo ở nước ngoài, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp cùng với các tổ chức đăng kiểm hàng đầu quốc tế để tiến hành công tác giám sát và chứng nhận theo đúng quy định.
Ngoài ra, Cục cũng đã thực hiện tốt công tác kiểm tra tàu biển  trong quá trình đóng mới. Đây là một công việc được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và thiết kế đã được thẩm định, từ khi bắt đầu cắt tôn cho đến khi phương tiện được bàn giao đưa vào sử dụng. Đây là công việc mang tính quyết định để đảm bảo tất cả các tàu biển của chúng ta khi xuất xưởng đều có khả năng hoạt động an toàn, thân thiện nhất với môi trường. Sau khi hoàn thành toàn bộ công việc kiểm tra, thử nghiệm phương tiện và các trang thiết bị liên quan, bên cạnh các giấy chứng nhận về an toàn và an ninh, tàu biển được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp các giấy chứng nhận phù hợp về phòng ngừa ô nhiễm môi trường, để đủ điều kiện đưa ra khai thác và có thể hoạt động được ở tất cả các vùng nước, các cảng biển trên thế giới, bao gồm: Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm do dầu; Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm do chất lỏng độc chở xô;Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải; Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm không khí; Giấy chứng nhận phù hợp về cấu trúc và trang thiết bị của tàu chở xô hoá chất nguy hiển; Giấy chứng nhận phù hợp của hệ thống chống hà.
Hàng năm Cục Đăng kiểm Việt Nam còn tiến hành công tác đăng kiểm các tàu đang khai thác, đảm bảo tàu và các trang thiết bị liên quan luôn được duy trì thoả mãn các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường biển. Công việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của chủ sở hữu, người khai thác phương tiện và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên trong việc duy tu, bảo dưỡng phương tiện luôn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; và điều quan trọng nhất là làm cho đội tàu biển Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm biển của quốc gia và quốc tế.
MT