Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường trong hoạt động GTVT ĐS giai đoạn 2013-2015 (Thứ tư, 26/06/2013 08:05 GMT+7)

Sớm xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT), Tổng công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động có ảnh hưởng đến môi trường trong các hoạt động xuất kinh doanh của giao thông vận tải đường sắt (GTVTĐS).

Sớm xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT), Tổng công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động có ảnh hưởng đến môi trường trong các hoạt động xuất kinh doanh của giao thông vận tải đường sắt (GTVTĐS).
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT trong toàn thể đội ngũ cán bộ công viên chức ngành GTVTĐS, cũng như các đối tượng có liên quan trong cộng đồng xã hội, kể từ năm 1999, ngày 5/11 được lấy là ngày Môi trường đường sắt.
Cùng đó là hang loạt văn bản, chỉ thị về tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường ĐS cũng như chỉ đạo các cấp đơn vị triển khai các hành động BVMT gắn liền với các hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt (SXKDVTĐS).
Tăng cường thêm một bước trong công tác quản lý, Tổng giám đốc ĐSVN đã ký Quyết định số 1266/QĐ-ĐS về việc thành lập Ban chỉ đạo BVMT ĐSVN gồm 17 thành viên, do 1 Phó Tổng giám đốc làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Trong giai đoạn 2008 – 2012, kết quả thực hiện về công tác BVMT đường sắt đã được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá khá cao tại Hội nghị “Tổng kết, đánh giá kết quả công tác BVMT GTVT giai đoạn 2008 – 2012 và thực hiện nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2013 – 2015”  diễn ra ngày 15/5/2013 tại Hà Nội với một số nội dung như: Ngày truyền thống Môi trường ĐS và mô hình Ban chỉ đạo BVMT ĐSVN cần được phổ biến nhân rộng trong toàn ngành GTVT; việc xây dựng website môi trường riêng, mở lớp tập huấn hàng năm… bước đầu đã nâng cao được nhận thức của đội ngũ CBCNVC; việc các đơn vị xây dựng kế hoạch chi phí BVMT gắn liến với SXKD chính hàng năm, điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ về BVMT tại các cấp cơ sở…
Về nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới và tăng cường hợp tác quốc tế đã triển khai nhiều đề tài, dự án có tính thực tiễn cao; chủ động trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài như Nhật, Mỹ, Đức…để thử nghiệm và ứng dụng công nghệ tiến tiến trong việc xử lý chất thải sinh hoạt trên tàu, trong sản xuất công nghiệp, trong sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Đối với việc xử lý chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt trên tàu, hiện tại ngoài một số đơn vị sản xuất công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, các đơn vị còn lại trước mắt đã tổ chức tốt việc thu gom, tập kết chất thải để xử lý sơ bộ trước khi thải ra môi trường.
Các toa xe được trang bị thiết bị vệ sinh tự hoại của Hãng Microphor mới chiếm tỷ lệ gần 10% trong toàn bộ số toa xe khách hiện có. Đối với các toa xe khách mới đóng, bắt buộc phải lắp đặt thiết bị xử lý vệ sinh tự hoại mới được đưa vào vận dụng…
Ngày 31/01/2013, Bộ Trưởng Bộ GTVT ký Quyết định số 317/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác BVMT GTVT giai đoạn 2013 – 2015”, giao nhiệm vụ cho các đơn vị ngành GTVT thực hiện 9 nhóm nội dung cơ bản, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới về công tác BVMT trong hoạt động GTVT, hướng tới phát triển GTVT bền vững; trong đó  ĐSVN có 3 nhiệm vụ cần tăng cường hơn là: Chủ động thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị vệ sinh tự hoại trên các toa xe ĐS, phấn đấu đến năm 2015 ít nhất số toa xe khách đóng mới được trang bị công cụ, thiết bị và tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt; chủ trì, phối hợp với Cục ĐSVN thực hiện đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho GTVTĐSVN; thí điểm ứng dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu diesel sinh học và đề xuấtgiải pháp nhân rộng trong ĐSVN.
Như vậy, đến thời điểm này ĐSVN đã được Bộ GTVT giao là đơn vị chủ động thực hiện việc lắp đặt thiết bị vệ sinh trên các toa xe khách. Cũng tại Hội nghị tổng kết của Bộ GTVT ngày 15/5/2013, Bộ Trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng đã có ý kiến chỉ đạo và yêu cầu cụ thể ngành ĐSVN phấn đấu đến giai đoạn năm 2015 – 2017 hoàn thành việc lắp đặt hệ thống thiết bị vệ sinh tự hoại trên 100% các loại toa xe khách và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu .
Việc triển khai hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng giao sẽ góp phần nâng cao uy tín, tạo hình ảnh đẹp, thân thiện với môi trường của cộng đồng xã hội và điều kiện để tăng sức cạnh tranh, thu hút thêm thị phần so với các phương thức vận tải khác, là điều mong muốn của doanh nghiệp ĐSVN.
Tuy nhiên, với hơn 1000 toa xe khách hiện có gồm nhiều chủng loại khác nhau, chất lượng không đồng đều, cơ bản còn lạc hậu về tính năng, kết cấu, hình thức, thời hạn và độ bền sử dụng…vấn đề nghiên cứu ứng dụng được thiết bị có công nghệ xử lý phù hợp để lắp đặt đồng loạt chung sẽ là khó khăn. Nếu dùng nhiều công nghệ xử lý cho từng chủng loại xe, từng mác tàu…. dẫn đến vấn đề bảo dưỡng, sửa chữa sau này sẽ  rất phức tạp, số nhân công tăng, chi phí cao, ảnh hưởng đến giá thành vận tải đường sắt… (chưa đồng bộ và không hiệu quả về kinh tế).
Xét về kinh phí đầu tư riêng cho phần thiết bị , nếu lấy giá bình quân hiện tại của 1 bộ thiết bị vệ sinh tự hoại Micrphor của Mỹ đang sử dụng trên toa xe khách là khoảng 700 triệu đồng/bộ và chi phí cải tạo, lắp đặt xấp xỉ  200 triệu đồng/xe, thì tổng số vốn cần để lắp đặt đủ cho hơn 1000 toa xe là gần 1000 tỷ đồng (chưa tính đến các loại kinh phí để đầu tư hệ thống nhà xưởng, duy tu sử chữa thiết bị vệ sinh tại các ga lập tàu, chi phí đào tạo, lương công nhân, vật tư, vật liệu… có liên quan kèm theo).
Việc huy động  nguồn vốn theo yêu cầu này là hết sức cấp bách và khó khăn trong  bối cảnh hiện tại và cả những năm tiếp theo của nền kinh tế đang suy thoái chung và vẫn chưa được cải thiện nhiều. Sức hút đầu tư của của các thành phần kinh tế khác vào lĩnh vực GTVT ĐS nói chung và cụ thể đối với các dự án BVMT chưa đem lại sự hấp dẫn nào bởi hiệu quả khó tính toán. Bên cạnh đó, cơ chế, thủ tục hành chính trong phê duyệt cấp phép cho các dự án đầu tư tại thời điểm này còn bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian tiến độ thực hiện...
Với những cơ hội và thách thức này, cần đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ BVMT trọng điểm mà bộ đã giao với những hành động cụ thể và thiết thực hơn. Tới đây, ĐSVN chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng chuyên môn có liên quan hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chi tiết, đề cấp đến mọi mặt của công tác BVMT trong hoạt động GTVTĐS và trình bộ xem xét phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện.
Bằng những nỗ lực sẵn có, huy động mọi khả năng, tiềm lực từ bên ngoài và đặc biệt dưới sự chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ mọi mặt của Bộ GTVT, ĐSVN quyết tâm phấn đấu và hy vọng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao về công tác BVMT trong giai đoạn 2013 – 2015.
ĐSVN