Thừa Thiên Huế: Áp lực giao thông lên môi trường gia tăng(Thứ năm, 12/06/2014 00:00 GMT+7)
Ở nhiều thời điểm, tình hình giao thông có chiều hướng xấu đi, áp lực giao thông lên môi trường đô thị ngày càng gia tăng.
Ở nhiều thời điểm, tình hình giao thông có chiều hướng xấu đi, áp lực giao thông lên môi trường đô thị ngày càng gia tăng.
Chưa có khảo sát chính thức về mức độ áp lực giao thông đối đối với môi trường đô thị Huế, song hoàn toàn có thể nhận ra sự thay đổi của chất lượng không khí ở thành phố có chiều hướng đi xuống do phải chịu sự tác động từ phát thải khói xe với số lượng phương tiện tham gia giao thông đang gia tăng, nhất là phương tiện ô tô. Mức sống cải thiện, số người có điều kiện mua ô tô ở thành phố tăng khiến mật độ ô tô lưu thông trên đường tăng cao so với trước đây. Điều đáng nói, một khi lượng ô tô ra đường gia tăng thì diện tích chiếm chỗ của loại phương tiện này cũng lớn hơn nhiều lần so với xe máy, khả năng gây ô nhiễm cũng cao hơn. Nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác phát triển đô thị Việt Nam, nếu số lượng người tham gia giao thông bằng xe hơi chiếm 5% thì diện tích lòng đường mà loại phương tiện này chiếm dụng và lượng nhiên liệu tiêu thụ cũng sẽ chiếm tương đương 20%.
Việc tắc nghẽn giao thông ở Huế trở nên thường xuyên hơn. Chất lượng không khí - thước đo của môi trường và chất lượng sống cũng có nguy cơ giảm đi nếu chúng ta không có những giải pháp khả thi cho vấn đề này. Ở Huế, khi đa số các tuyến đường đều khá hẹp, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng nhưng chưa theo kịp với tốc độ phát triển thì chắc chắn rằng áp lực giao thông sẽ còn lớn hơn. Ở đây, việc người dân chạy đua để mua sắm ô tô mà không quan tâm nhiều đến hạ tầng giao thông có thể sẽ gây nên hiểm họa cho giao thông trong tương lai gần. Cũng phải nói thêm rằng, tỉnh và thành phố đã nỗ lực để xây dựng các tuyến đường vành đai ở vùng ven và giản dân; song dường như hệ thống đường vành đai này lại chưa phát huy hết hiệu quả. Minh chứng rõ nhất là tuyến đường Thủy Dương – Tự Đức dù rộng rãi song vẫn rất thưa phương tiện qua lại, người điều khiển phương tiện có xu hướng đi về khu vực trung tâm theo hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Phan Bội Châu dù các con đường này khá hẹp thường xuyên bị ách do có đường sắt băng qua. Thời gian tới, phải quan tâm hơn đến vấn đề điều chỉnh các quy hoạch giao thông sao cho hợp lý hơn. Trong đó, chú trọng đến việc nâng cấp các tuyến đường xuyên tâm kết nối vùng ven và TP như: Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu, Trần Phú...
Sự phát triển của phương tiện và áp lực của nó đến môi trường là một điều tất yếu. Vấn đề ở đây là trước những hậu quả khôn lường về ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí đang hiển hiện, Huế cần có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề này. Trước tiên, cần hoàn thiện các quy hoạch về hạ tầng giao thông đô thị, hệ thống quản lý và tổ chức độc lập để điều hòa các nhóm lợi ích trong vận hành và phát triển đô thị. Có như vậy chúng ta mới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đô thị Huế.
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế