Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số của Đà Nẵng những năm gần đây đã tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí. Đà Nẵng đang nỗ lực giải quyết, kiểm soát ô nhiễm không khí bằng trách nhiệm chung của cả cộng đồng.
Tiêu chuẩn đánh giá một thành phố bền vững về môi trường theo quy định chung của Tổ chức ASEAN dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm: Chỉ số không khí sạch, nước sạch và đất xanh, sạch. Cụ thể: Chỉ số không khí sạch dựa vào các tiêu chí sau: Đảm bảo tính khả dụng và chất lượng của dữ liệu chất lượng không khí, giảm phát thải khí thải từ nguồn di động, giảm phát thải khí thải từ nguồn tĩnh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng nhiên liệu sạch hơn.
Đến nay, Đà Nẵng đã hoàn thành việc xử lý triệt để đối với 18/19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; còn 1 điểm ở phía Bắc sân bay Đà Nẵng hiện đang tiến hành xử lý chất độc hóa học tồn lưu, dự kiến hoàn thành năm 2016. Chất lượng môi trường không khí nói chung ở giai đoạn 2008 - 2014 ở Đà Nẵng có cải thiện hơn so với các năm trước, mặc dù có một số chỉ tiêu còn cao so với quy chuẩn cho phép (bụi và tiếng ồn).
Để đạt được kết quả trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã kiên quyết xử lý những công ty gây ô nhiễm, đồng thời tạo điều kiện để các công ty góp phần thực hiện bảo vệ môi trường. Điển hình như Công ty cổ phần thép Thái Bình Dương và Công ty cổ phần thép DaNa - Y đóng tại CCN Thanh Vinh gây ô nhiễm khí thải công nghiệp do hoạt động sản xuất nấu luyện, cán kéo thép. Thành phố đã kiểm tra, yêu cầu dừng hoạt động, cải tạo hệ thống xử lý khí thải gián tiếp, trực tiếp và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường (xử lý phế liệu, vệ sinh mặt bằng nhà xưởng, bảo dưỡng thiết bị, che chắn nhà xưởng sản xuất…). Sau khi các công ty này thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, kết quả đo đạc khói thải đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN 19:2008/ BTNMT. UBND thành phố đã đồng ý chủ trương bố trí thêm quỹ đất cho 2 đơn vị trên trồng cây xanh cách ly với diện tích 57.688m2.
Nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm môi trường giao thông hiện nay đang là một trong những tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến không khí đô thị. Đà Nẵng đang tiếp tục nghiên cứu Đề án Xây dựng thể chế nhằm xã hội hóa hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và nghiên cứu khả thi hệ thống xe buýt nhanh (BRT). Theo đó, ngành giao thông vận tải sẽ xây dựng thể chế nhằm xã hội hóa hoạt động vận tải khách bằng xe buýt như: Xây dựng quy chế đấu thầu, xây dựng quy chế quản lý hoạt động, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật … Dự kiến sẽ đưa hệ thống BRT vào hoạt động trong năm 2016. Về lâu dài, thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải lập Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông đô thị đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Để thúc đẩy chuyển đổi nhiên liệu sạch, ngành giao thông vận tải trình thành phố cho phép lưu hành 30 xe điện 4 bánh thân thiện với môi trường phục vụ du lịch. Thời gian tới, sẽ phát triển nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như động cơ hybrid xử dụng nhiên liệu xăng và điện, phát triển phần đường dành cho xe đạp.
Triển khai 8 mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời và thác nước, kiểm soát năng lượng cho 11 doanh nghiệp, lắp đặt hệ thống chiếu sáng học đường cho 5 trường học, triển khai 04 mô hình biogaz cải tiến xử lý ô nhiễm môi trường tận thu khí sinh học phát điện tại nông thôn. Chủ trì lắp đặt thí điểm mô hình sử dụng năng lượng mặt trời cho 2 tàu cá xa bờ, nghiên cứu mô hình kết hợp năng lượng gió và mặt trời. Tập huấn cho 45 cơ quan, đơn vị về sử dụng tiết kiệm năng lượng, tuyên truyền cho 1.000 hộ, doanh nghiệp nhỏ về giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai Đề án Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị TP Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2015. Đến nay, số lượng cây xanh công cộng khoảng 76.400 cây, diện tích thảm hoa, thảm cỏ tại các khu vực công cộng khoảng 796.912m2. Cây xanh đô thị bình quân người 6,01m2/người. Về cơ bản, tỷ lệ cây xanh đã đạt so với mục tiêu Đề án.