Hàng không thế giới thúc đẩy việc phát triển nhiên liệu sinh học(Thứ năm, 23/07/2015 08:04 GMT+7)
Các chuyên gia dự tính, trong khoảng 2 thập kỉ tới, số lượng hành khách di chuyển bằng máy bay sẽ gấp đôi so với hiện tại. Khi đó, hàng không thế giới sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề quan trọng đó là nhiên liệu và môi trường.
Theo dự đoán của Hiệp hội Hàng không Vận tải Thế giới, trong khoảng 2 thập kỉ tới, khi đời sống của người dân ở nhiều quốc gia được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là các nước đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, đó là lúc hàng không thế giới sẽ phải tiếp nhận một số lượng hành khách cực kì lớn, ước tính khoảng 7.3 tỷ lượt khách, gấp đôi so với hiện tại.
Viễn cảnh trên đã khiến nhiều hãng hàng không lo ngại rằng nếu không có một cuộc “cách mạng” ở khâu nhiên liệu dành cho máy bay, họ sẽ sớm phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh từ các quy định về môi trường như việc hạn chế lượng khí thải máy bay toàn cầu.
“Là một ngành kinh doanh, việc phát triển nhiên liệu mới cho ngành hàng không chính là biện pháp để chúng tôi duy trì và phát triển” - Ông Julie Felgar, Giám đốc quản lý cho chiến lược môi trường tại hãng sản xuất máy bay Boeing, đồng thời là điều phối viên cho các chương trình nghiên cứu nhiên liệu sinh học bền vững ở Mỹ, Úc, Trung Quốc, Brazil, Nhật Bản và Ả Rập Thống nhất Emirates cho biết.
Theo ông Julie, các phương tiện đường bộ như ô tô, xe tải, tàu hỏa… có thể sử dụng các nhiên liệu thay thế như điện, khí ga tự nhiên, thậm chí là khí hydrio để vận hành mà vẫn đảm bảo các quy định về môi trường. Nhưng với máy bay - loại phương tiện giao thông phải chở cùng lúc hàng trăm người cùng số lượng lớn vali, hàng hóa, phải giữ ở độ cao trên 10 nghìn mét và đi xuyên lục địa - thì lại cần rất nhiều năng lượng, đến mức chỉ có nhiên liệu lỏng là có thể đáp ứng nhu cầu. Một số loại xăng dầu làm từ ngô rất thịnh hành ở Mỹ, cung cấp nhiên liệu cho gần 10% phương tiện giao thông tại quốc gia này, cũng không đạt tiêu chuẩn để trở thành nhiên liệu máy bay.
“Không như các phương tiện đường bộ, máy bay không có nhiều loại nhiêu liệu thay thế” - Ông Debbie Hammel, chuyên gia về nhiên liệu sinh học tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ cho biết.
Mới đây, một loại nhiên liệu sinh học được tái chế từ rác thải của công ty Fulcrum Bioenergy đã trở thành tâm điểm chú ý của hàng không thế giới. Hãng hàng không United Airlines vào tháng trước đã công bố đầu tư khoản tiền trị giá 30 triệu USD cho Công ty Fulcrum Bioenergy để xây dựng cơ sở chế biến chất thải từ các hộ gia đình thành dầu diesel và nhiên liệu máy bay.
Trong khi đó, FedEx - Hãng chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới, mỗi năm tiêu thụ khoảng 1.1 tỷ gallon nhiêu liệu máy bay - vào ngày hôm qua (21/7) đã công bố kế hoạch đặt mua 3 triệu gallon nhiên liệu tái chế từ gỗ thừa, vụn gỗ của một công ty có tên Red Rock Biofuels. Một hãng hàng không khác của Mỹ là Southwest Airlines cũng đang có kế hoạch tương tự.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những nỗ lực nhỏ nhoi bên cạnh số lượng tiêu thụ nhiên liệu khổng lồ mỗi năm tại Mỹ. Theo thống kê, các hãng hàng không Mỹ sử dụng khoảng 45 triệu gallon nhiên liệu mỗi ngày. Trong bối cảnh đối mặt với việc phá vỡ những mục tiêu về môi trường đã đặt ra, các hãng hàng không không có sự lựa chọn nào khác ngoài đẩy mạnh việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Chưa kể đến việc một loạt các quy định về hạn chế khí thải máy bay đang được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ và các cơ quan quốc tế xem xét để áp dụng trong tương lai.
Theo đó, ngành hàng không thế giới phải cam kết sẽ ngừng tăng lượng khí thải máy bay vào năm 2020, ngay cả khi số lượng chuyến bay hàng năm có tăng đi chăng nữa. Và vào năm 2050, chất thải carbon dioxide sẽ phải giảm một nửa so với năm 2005.
Vào thời điểm hiện tại, giống như nhiều hãng hàng không, quân đội Mỹ cũng đang hỗ trợ việc nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu sinh học. Đối với các nhà sản xuất, đây hẳn là một nguồn lợi lớn khi quân đội là đơn vị độc lập tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất trên toàn nước Mỹ.
Nhưng việc sản xuất nhiên liệu sinh học theo số lượng lớn để phục nhu cầu là một thử thách đầy khó khăn. Việc phát triển từ ý tưởng cho đến khi xuất ra thành phẩm thực tế có thể phải mất nhiều năm. Chưa kể đến việc trong quá trình phát triển, dự án có thể sẽ gặp nhiều rủi ro lớn, ví dụ như việc giá dầu thô giảm cũng tác động nghiêm trọng đến vấn đề cạnh tranh như giá cả, số lượng thành phẩm…
Hiện tại, nhiều chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Chương trình sử dụng nhiên liệu tái chế của United Airlines cho đường bay Los Angeles - San Francisco đã bị nhà sản xuất hoãn lại. Kế hoạch đưa nhiên liệu tái chế từ gỗ thải của Southwest Airlines cũng phải dời từ năm 2016 sang 2017, thậm chí nhà máy chế biến nhiên liệu còn chưa được khởi công xây dựng.
Dù vậy, nhiều hãng hàng không thế giới tỏ ra không mấy bất ngờ với những khó khăn hiện tại. Họ tin rằng với thời gian và nỗ lực, trong tương lai nhiên liệu sinh học sẽ trở nên phổ biến và có giá thành rẻ, đủ để cạnh tranh trên thị trường. “Chúng tôi đang cố gắng tạo nên một ngành công nghiệp nhiên liệu mới, và biết đây sẽ là cuộc chiến lâu dài.” – Ông Felgar chia sẻ.