Kiên cố hoá cung đường sắt từ Bình Định đến Khánh Hoà(Thứ hai, 12/09/2011 08:03 GMT+7)

Công trình kiên cố hoá 200km đường sắt từ Bình Định đến Khánh Hoà khởi công từ tháng 4/2010 theo mệnh lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ: Khắc phục hậu quả thiên tai sau trận lũ lịch sử tháng 9.2009 và mùa mưa lũ kéo dài suốt 2 tháng cuối năm 2009, đảm bảo an toàn chạy tàu, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của hành khách.

Ngày 9/9 tại TP.Nha Trang (Khánh Hoà), lãnh đạo ngành đường sắt đã công bố “hoàn thành nhiệm vụ khẩn” và làm lễ tuyên dương 14 tập thể, 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt trên công trường.

Kỹ sư Đặng Sỹ Mạnh - Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 2, Trưởng đại diện ĐSVN tại Đà Nẵng - cho biết: “Tại thời điểm mưa, lũ hoành hành dữ dội, ngành ĐS đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để cứu đường, thông tàu...; nhưng giải pháp tình thế không thể ngăn chặn nguy cơ sạt lở.

Suốt chiều dài 200 cây số từ km1.095 đến 1.285 (Bình Định đến Khánh Hoà) có 25 vị trí hư hại đặc biệt nghiêm trọng; tuyến đường sắt bắc nam có thể bị tê liệt do đá rơi, đất trượt lấp kín mặt đường trên đèo Cả. Ngày 6.1.2010, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành ĐS phải xây dựng khẩn cấp công trình kiên cố hoá ĐS từ Bình Định đến Khánh Hoà với tổng dự toán xấp xỉ 562 tỉ đồng”.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án ĐS khu vực 2 đã khẩn trương chỉ định 2 nhà thầu tư vấn thiết kế, 17 nhà thầu thi công, đồng thời huy động trí lực những tập thể, cá nhân giỏi nhất trong toàn ngành.

Trên cơ sở khảo sát toàn tuyến và xác định dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo vừa thi công, vừa duy trì chạy tàu thống nhất; lãnh đạo Đảng đoàn, công đoàn và ban tổng giám đốc ngành đường sắt quyết định phát động đợt thi đua đặc biệt trên công trường nhằm động viên, khuyến khích người lao động phát huy tinh thần sáng tạo, làm việc không quản ngày đêm.

Nhiều đợt cao điểm giữa mùa mưa năm 2010 có hơn 2.000 kỹ sư, công nhân bám sát cung đường 24/24 giờ, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời đảm bảo chất lượng kỹ thuật  và an toàn lao động. Sau14 tháng thi công, các đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng 6 cầu giàn thép, 3 cầu bêtông, 3 cống thoát nước bêtông cốt thép, phun bêtông khô gia cố hơn 30.000m2 mái taluy, xử lý 1.100m nền đường đặc biệt, cải tạo tuyến mới gần 600m, đào đắp trên 95.000m3 đất đá...

Đặc biệt, trên công trường này, lần đầu tiên ngành đường sắt Việt Nam áp dụng công nghệ mới - gia cố mái taluy bằng khoan neo và lưới thép cường độ cao (50.000m2) do các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp hướng dẫn; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đá rơi mà không làm ảnh hưởng môi trường, sinh cảnh.

Hoàn tất dự án kiên cố hoá cung đường “đau khổ” trước mùa mưa năm 2011 là kết thúc một nhiệm vụ nặng nề, gian khó; tuy nhiên tuyến đường sắt chạy qua miền Trung vẫn còn nhiều điểm xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an toàn chạy tàu. Thiết nghĩ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tập trung đầu tư kiên cố hoá từng cung đường là phương án tiết kiệm và khả thi hơn cả.

Theo Báo Lao động