Đồng Nai: Khởi công xây dựng mới cầu đường bộ Đồng Nai (Thứ năm, 12/01/2012 07:51 GMT+7)
Ngày 11/1, tại phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khởi công xây dựng cầu đường bộ Đồng Nai tách khỏi cầu đường sắt (cầu Ghềnh). Tổng mức đầu tư của công trình gần 580 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và dự kiến sẽ thông xe vào đầu tháng 1/2013.
Ngày 11/1, tại phường Bửu Hòa (TP. Biên Hòa), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khởi công xây dựng cầu đường bộ Đồng Nai tách khỏi cầu đường sắt (cầu Ghềnh). Tổng mức đầu tư của công trình gần 580 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và dự kiến sẽ thông xe vào đầu tháng 1/2013.

Lễ khởi công xây dựng mới cầu đường bộ Đồng Nai
Cầu đường bộ Đồng Nai mới là dự án thuộc công trình xây dựng mới 3 cầu tách khỏi cầu đường sắt gồm: Cầu Đồng Nai, cầu Tam Bạc (Hải Phòng) và cầu Thị Cầu (Hà Nội) theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Cầu được xây dựng về phía hạ lưu của cầu chung Đồng Nai để tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông đường bộ; tách các phương tiện giao thông đường bộ ra khỏi các cầu chung Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) và cầu Đồng Nai nhỏ (cầu Rạch Cát), đảm bảo an toàn cho các phương tiện và tránh ùn tắc giao thông.
Cầu đường bộ Đồng Nai mới có tổng chiều dài 493,1 m, gồm 10 nhịp trong đó nhịp chính 60+90+60 bằng bê tông cốt thép, thi công theo công nghệ đúc hẫng; các nhịp còn lại là nhịp Supe “T”, mặt cầu rộng 18 m, gồm 4 làn xe (2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp). Đường 2 đầu cầu phần có tường chắn có chiều dài tổng cộng 173 m, rộng 18 m; phần không có tường chắn có chiều dài tổng cọng 748,5 m, rộng 24,5 m. Hướng tuyến kết nối với các tuyến đường hiện có là đường Bùi Hữu Nghĩa, tỉnh lộ 16 thuộc phường Bửu Hoà và đường Đặng Văn Trơn thuộc xã Hiệp Hoà.
Phát biểu tại lễ khởi công, Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam Nguyễn Đạt Tường nhấn mạnh: phương tiện lưu thông qua hai cầu chung gần đây tăng cao, thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, việc xây dựng mới cầu đường bộ Đồng Nai là cấp bách. Do thời gian thực hiện ngắn (12 tháng) nên yêu cầu các đơn vị thi công cần tập trung tối đa nhân lực và vật lực để công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Xuân Nguyên