Ninh Bình: Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đáp ứng sự phát triển KT-XH(Thứ hai, 26/03/2012 07:45 GMT+7)
Từ năm 1992 đến nay, thực hiện nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng các cấp, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ năm 1992 đến nay, thực hiện nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng các cấp, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Giao thông đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp quy xây dựng, quản lý quy hoạch về giao thông - vận tải (GTVT), để hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Khi tái lập tỉnh năm 1992, hệ thống cầu đường bộ gần như chưa có quy hoạch, rất khó khăn cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngành GTVT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các quy hoạch phát triển GTVT Ninh Bình đến năm 2020; quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông đô thị thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình), quy hoạch mạng lưới bến xe khách Ninh Bình đến năm 2020, quy hoạch giao thông đường thuỷ nội địa đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020, quy hoạch sử dụng đất các công trình giao thông giai đoạn 2010-2020; hoàn chỉnh trình duyệt quy hoạch đấu nối vào các tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh.
Với hệ thống cầu đường bộ, khi tái lập tỉnh mới chỉ có 101,8 km Quốc lộ qua địa bàn, các tuyến đường giao thông nông thôn hầu hết bị xuống cấp nghiêm trọng, ô tô chỉ đến được trung tâm một số xã. Trước thực tế trên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành GTVT chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ GTVT để nâng cấp các tuyến đường huyện lên đường tỉnh, đường tỉnh lên Quốc lộ. Đến năm 2011, hệ thống Quốc lộ qua địa bàn tỉnh là 110 km; 293,6 km đường tỉnh, 312 km đường liên huyện, 2.010 km đường xã, liên xã và đường sông là 221,8 km.
Về giao thông nông thôn, từ khi tái lập tỉnh, ngành GTVT đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị và các ngành tham mưu cho UBND tỉnh phát động phong trào xây dựng giao thông nông thôn sâu rộng trong toàn tỉnh, với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, huy động vật liệu địa phương, sự đóng góp của nhân dân; đồng thời tranh thủ mọi nguồn vốn của các dự án nước ngoài để làm đường giao thông nông thôn.
Triển khai 2 dự án hỗ trợ giao thông nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB). Năm 2002, thực hiện Dự án WB3, cải tạo gần 400 km đường và 3 cầu; năm 2009 triển khai dự án WB3 gồm 15 gói đường và 1 gói cầu. Ngành GTVT còn tham mưu để Tỉnh uỷ và UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đến đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, 84,12% đường giao thông nông thôn được cứng hoá; đường ôtô đến được trung tâm 100% xã trong toàn tỉnh. Đến năm 2010, cứng hoá được trên 95% mặt đường giao thông nông thôn (theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra).
Với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đáp ứng sự phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, an ninh-quốc phòng, du lịch của tỉnh, các địa phương đã làm tốt việc tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ GTVT, của các dự án quốc tế và các ngành, các cấp và của mọi thành phần kinh tế để tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông.
Về đường tỉnh: Đã nâng cấp, cải tạo 167,7 km đường tỉnh; xây dựng 11 cầu; nâng cấp, cải tạo 16 km QL45, QL12B; đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, QL 10, phấn đấu đến năm 2012 cơ bản hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Phối kết hợp với PMU 18, PMU1, Cục Đường bộ Việt Nam... và giúp các nhà thầu triển khai các dự án của Bộ GTVT tại Ninh Bình như xây dựng cầu vượt Thanh Bình, cầu Non Nước, cầu Lim, cầu Ghềnh, cầu Vó, cầu Do, cầu Yên... Các công trình giao thông đã xây dựng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, an ninh-quốc phòng... của tỉnh.
Trong năm 2011, toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp 160 km đường, 312 cầu, cống với tổng kinh phí 371 tỷ đồng và tiếp tục triển khai dự án WB3 chương trình năm thứ 2 với 30 km đường, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.
Hiện nay, ngành GTVT đang đẩy nhanh việc thi công các công trình trọng điểm, cấp bách như: Quốc lộ 1A giai đoạn 1, giai đoạn 2, hoàn thành tuyến đường kết nối đường cao tốc Quốc lộ 1A, Quốc lộ10, Quốc lộ 12B và các tuyến đường tỉnh: Bình Sơn - Lai Thành, Tuy Lộc - Bình Minh; đường ĐT481 Thông - Nhạc - Kiến Thái; đường ĐT 477B và cầu Trường Yên; đường ĐT80E (Tân Thành - Lồng)... để đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội và tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Theo Báo Ninh Bình