Hà Nội: Nhiều nút giao thông, tuyến đường đã giảm ùn tắc sau một tuần thực hiện đổi giờ học, giờ làm (Thứ ba, 07/02/2012 13:22 GMT+7)
Chiều ngày 6/2, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan nhằm đánh giá việc đổi giờ học, giờ làm sau 5 ngày thực hiện.
Chiều ngày 6/2, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan nhằm đánh giá việc đổi giờ học, giờ làm sau 5 ngày thực hiện.
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sau 5 ngày triển khai, tình hình giao thông đi lại trên các tuyến đường Hà Nội bước đầu có những cải thiện. Cụ thể, trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc vẫn đông nhưng không tắc nghẽn. Mật độ giao thông trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường như: Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La - Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thuỷ - Cầu Giấy đã giảm. Bên cạnh đó, mạng lưới vận tải hành khách công cộng hoạt động ổn định, lưu lượng người đi xe buýt được giãn, xe buýt chở không quá tải...
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Khôi, việc điều chỉnh trên còn một số điểm chưa phù hợp. Cụ thể, đối với học sinh phổ thông trung học do giờ học buổi sáng trước 7h và tan trường vào buổi chiều là sau 19h nên ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt của học sinh và gia đình học sinh; ảnh hưởng đến giáo viên dạy các giờ đầu buổi sáng và cuối giờ buổi chiều.
Ngoài ra, trên một số tuyến đường trọng điểm hệ thống chiếu sáng chưa được điều chỉnh cho phù hợp với thời gian sinh hoạt của một số đối tường thuộc diện điều chỉnh như, học sinh sinh viên cũng như điều kiện thời tiết mùa đông. Dẫn đến việc gây ảnh hưởng tới khả năng điều khiển giao thông trong khoảng thời gian buổi sáng từ 5h đến 6h và buổi chiều từ 18h đến 19h. “Với một số hạn chế trên, thành phố chỉ đạo đơn vị chiếu sáng phải điều chỉnh kéo dài thêm giờ vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, cụ thể bật 17h30 và tắt vào 6h15 hàng ngày. Đối với việc điều chỉnh giờ học, thành phố yêu cầu Sở GD&ĐT tổng hợp những khó khăn, vướng mắc kiến nghị của các trường để có phương án giải quyết, trong đó điều chỉnh kết thúc giờ tan học buổi chiều của học sinh trung học phổ thông là sau 18h. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục cấm xe tải các loại cũng nhưng cấm các xe tour du lịch vào các giờ cao điểm”- đồng chí Nguyễn Văn Khôi nói.
Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND Thành phố cũng cho rằng, kết quả sau 5 ngày thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm chưa thể phản ánh đúng tình hình thực tế của giao thông Hà Nội. “Tôi cho rằng nó chưa điển hình thời điểm thực hiện, bởi lẽ sau ngày 15 âm lịch sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng mới trở lại trường, nhiều lao động các tỉnh vẫn chưa đổ về Hà Nội làm việc sau khi nghỉ Tết” - Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh phân tích. Đồng chí cho rằng, việc đổi giờ ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều đối tượng và chỉ là một trong nhiều biện pháp góp phần giảm ùn tắc, nhưng trong khi đó có nhiều biện pháp mà Hà Nội thực hiện không quyết liệt. “Tôi thấy nhiều biện pháp pháp luật cho phép nhưng có vẻ lãnh đạo Uỷ ban chỉ đạo chưa quyết liệt. Chẳng hạn, chúng ta đưa ra cấm taxi hoạt động giờ cao điểm ở một số tuyến phố nhưng thực hiện không nghiêm, xe taxi vẫn ngang nhiên đi vào phố cấm. Hay như việc cấm xe đổ rác giờ cao điểm, hàng rong nhưng lại chưa được thực hiện quyết liệt. Các tuyến phố trung tâm hàng ngày vẫn thấy hàng rong bày bán ngang nhiên, nhất là các vùng giáp giữa các quận hàng rong hoạt động thoải mái mà không bị xử lý” - đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, về quyết định đổi giờ làm, giờ học không nên bàn về chủ trương vì trên dưới đã đồng lòng quyết, còn khi thực hiện mà còn những bất cập thì Thủ tưởng cũng đã cho phép Hà Nội có quyền tự điều chỉnh, tự quyết. “Việc thực hiện đổi giờ học của ngành giáo dục hiện đang cứng nhắc, máy móc. Chẳng hạn, có khối học, hay lớn học tan sớm nhưng học sinh phải ngồi chờ đến 19h mới được về, như vậy là quá cứng nhắc” - đồng chí Nguyễn Thế Thảo nói.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng, đây là một biệp pháp góp phần giảm ùn tắc giao thông, khi thực hiện chúng ta cần kêu gọi sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Cùng với đó, UBND TP, Sở GTVT phải thực hiện các biện pháp khác đồng bộ, quyết liệt, lâu dài như: hạn chế xe cá nhân, quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị, đẩy nhanh các công trình giao thông trọng điểm. Còn việc điều chỉnh giờ tan học buổi chiều của học sinh cấp ba UBND TP phối hợp với Sở GTVT cần sớm có quyết định điều chỉnh lại cho hợp lý, tránh gây xáo trộn lớn cho các trường học.
Xuân Nguyên