Thanh Hóa: Sớm bàn giao mặt bằng thi công Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A(Thứ tư, 25/04/2012 07:55 GMT+7)
Sau gần 28 tháng (kể từ tháng 5-2010) thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hơn 8 tháng (từ tháng 8-2011) thi công, nhưng đến nay, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A có nguy cơ chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do việc giải phóng mặt bằng của các địa phương chậm.
Sau gần 28 tháng (kể từ tháng 5-2010) thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hơn 8 tháng (từ tháng 8-2011) thi công, nhưng đến nay, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A có nguy cơ chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do việc giải phóng mặt bằng của các địa phương chậm.
Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A - đoạn Dốc Xây – TP Thanh Hóa, có chiều dài 36,4 m, đi qua thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa. Để chuẩn bị cho triển khai thi công dự án, từ tháng 5-2010, các địa phương triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Đến đầu tháng 4-2012, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công được hơn 31,9 km; TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa đã cơ bản bàn giao xong mặt bằng.
Triển khai thực hiện dự án, các địa phương có 2.234 hộ bị ảnh hưởng, hiện các hộ chưa bàn giao mặt bằng còn rất ít (273 hộ) nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. Trong đó, thị xã Bỉm Sơn còn 53 hộ chưa nhận tiền bồi thường, huyện Hà Trung còn 168 hộ chưa chấp hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, huyện Hậu Lộc còn 52 hộ chưa chấp hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa (chủ đầu tư) đã cung cấp cho các địa phương hồ sơ hoàn công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A năm 1994. Căn cứ vào hồ sơ, các địa phương đã kiểm tra các hộ có đất thuộc chỉ giới hành lang bảo vệ Quốc lộ 1A theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982, để xem xét các hộ kiến nghị và chưa bàn giao mặt bằng, có được bồi thường hay không được bồi thường. Các địa phương đã có nhiều biện pháp và thực hiện bồi thường theo đúng quy định của Nhà nước, nhưng các hộ không nhận tiền bồi thường và tiếp tục kiến nghị lên tỉnh. Các ngành có liên quan của tỉnh đã phối hợp với các địa phương giải quyết những kiến nghị của nhân dân, cũng như kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết. Sáng ngày 11-4-2012, tại trụ sở UBND xã Triệu Lộc, Hội đồng GPMB Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Hậu Lộc, đã gặp đại diện 8 hộ dân ở các thôn Phú Cường, Phú Thịnh, Phú Xuân, Phú Hoa để bàn tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, mà các hộ dân này đã kiến nghị. Tuy nhiên, cuối giờ chiều ngày 11-4, thông tin từ Hội đồng GPMB huyện Hậu Lộc cho biết, chỉ có hộ ông Tùng đồng ý quyết định của UBND tỉnh và ký vào biên bản, các hộ còn lại chưa đồng ý. Ngoài ra, hộ ông Trình và hộ ông Ngung, thôn Phú Xuân, xã Triệu Lộc, chưa thống nhất việc bồi thường diện tích đất ở và vật kiến trúc. Đối với 9 hộ dân trước đền Bà Triệu, các ngành chức năng của tỉnh đang phối hợp với hội đồng GPMB huyện kiểm tra.
Hiện các địa phương triển khai thi công các khu tái định cư chậm và đang san lấp mặt bằng, hầu hết chưa xây dựng hệ thống cống thoát nước, đường giao thông, điện sáng... Các công trình bị ảnh hưởng như điện sáng, đường nước sinh hoạt, trạm bơm, kênh mương đã di dời cơ bản xong; cáp viễn thông di dời song song với thi công nền đường; hiện chỉ còn vướng cột điện 110KV trên địa bàn phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn), cột điện 0,4KV tại nút giao đường vào UBND xã Triệu Lộc (Hậu Lộc).
Về tiến độ thi công, dự án bao gồm 4 gói thầu xây lắp, tổng giá trị xây lắp 1.270 tỷ đồng. Đến hết tháng 3-2012, khối lượng thực hiện ước đạt hơn 230 tỷ đồng, trong khi đó các nhà thầu đã ứng 324 tỷ đồng. Sáng ngày 11-4, chúng tôi đã khảo sát trên tuyến, hầu hết các nhà thầu thi công cầm chừng; thậm chí nhiều đoạn qua huyện Hà Trung, nhà thầu bóc đất đổ đi tạo thành hố sâu nhưng không đắp cát trả lại, không những nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mà người dân đi vào nhà ở rất khó khăn. Một số đoạn ở huyện Hậu Lộc, nhà thầu lu nền đường, nhưng các hộ dân cản trở vì sợ rung làm nứt nhà. Trên tuyến, xe ô tô chở đất đổ đi làm rơi vãi xuống mặt đường nhưng nhà thầu chậm khắc phục gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Những ngày trời khô, nắng, gió bụi ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông, nhất là những người điểu khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp và các hộ dân sinh sống dọc hai bên đường, nhưng các nhà thầu không có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công theo quy định.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn từ Dốc Xây đến TP Thanh Hóa, thiết nghĩ các địa phương còn vướng mắc về mặt bằng như thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hà Trung và Hậu Lộc, cần huy động các đoàn thể từ huyện đến xã tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, vận động các hộ dân nhận thức rõ lợi ích lâu dài của việc đầu tư xây dựng tuyến đường, chia sẻ khó khăn với Nhà nước để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công; đồng thời, rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện công tác bồi thường GPMB đối với những hộ dân còn vướng mắc và đối chiếu với những quy định của Nhà nước, nếu trường hợp thiếu, bỏ sót, thì kiểm kê, áp giá bồi thường bổ sung kịp thời. Những trường hợp các hộ dân kiến nghị không đúng quy định như đất lấn chiếm, xây dựng trái phép, đất mượn để kinh doanh... khi đã thực hiện đầy đủ các chế độ hỗ trợ theo quy định của UBND tỉnh, nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công thì kiên quyết cưỡng chế theo đúng các quy định của pháp luật. Các địa phương cần có biện pháp, giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để các hộ dân di dời sớm có đất xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống. Chủ đầu tư có biện pháp đôn đốc các nhà thầu bổ sung thêm máy móc thiết bị, thêm mũi thi công đối với những đoạn đã có mặt bằng, để bảo đảm tiến độ xây lắp theo kế hoạch, quá trình thi công chú trọng việc góp phần bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông và vệ sinh môi trường.
BBT(TH)