Hà Nội: Dự kiến xây 8 tuyến đường sắt nội đô(Thứ sáu, 18/05/2012 10:12 GMT+7)
Theo Dự thảo quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là các tuyến đường sắt trên cao và hệ thống xe buýt. Cùng với đó là xây dựng các tuyến vành đai, đường trên cao đảm bảo kết nối đồng bộ nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Theo Dự thảo quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là các tuyến đường sắt trên cao và hệ thống xe buýt. Cùng với đó là xây dựng các tuyến vành đai, đường trên cao đảm bảo kết nối đồng bộ nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI (Bộ GTVT) cho biết, sau năm 2030, thị phần vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng trên địa bàn HN chiếm khoảng 65%, trong đó đường sắt đô thị 40%, xe buýt 25%; phương tiện cá nhân chiếm 30%, trong đó 12% là ôtô, xe máy và xe đạp là 18%; 5% còn lại là phương tiện khác.
Như vậy, sau năm 2030, vận tải hành khách ở HN chủ yếu dựa vào năng lực của đường sắt. Tổng GĐ TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết, để nâng thị phần vận tải hành khách đường sắt lên 40% sau năm 2030, TP cần 13 tuyến đường sắt, tổng chiều dài khoảng 300km, tương đương Mátxơcva (Nga) hiện tại với 191 ga.
Để đạt được những mục tiêu trên, trong quy hoạch GTVT thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt trong nội đô. Cụ thể tuyến 1 chạy hướng Yên Viên - Ngọc Hồi, tuyến 2A hướng Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 2 hướng Nam Thăng Long - Thượng Đình, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội - Yên Sở, tuyến 4 hướng Liên Hà - Bắc Thăng Long, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi, tuyến số 7 Mê Linh - Ngọc Hồi, tuyến số 8 Sơn Đồng - Dương Xá.
Theo ông Sơn, việc hình thành các đô thị vệ tinh cùng với việc di chuyển các trường đại học và bệnh viện ra các đô thị này, Hà Nội sẽ hình thành nhiều trung tâm việc làm, giáo dục mới chia sẻ với trung tâm, nên việc xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị kết nối với đô thị vệ tinh là hết sức cần thiết.
Các tuyến đường sắt đó sẽ được quy hoạch đi theo hướng của các quốc lộ hướng tâm như QL6, QL32, QL3 và đại lộ Thăng Long. Cụ thể, các tuyến đường sắt đô thị nối trung tâm TP với đô thị vệ tinh, gồm tuyến 1: Sơn Tây - Nhổn - Hoàng Mai, tuyến 2: Ba Vì - Hòa Lạc - Nam Hồ Tây, tuyến 3: Xuân Mai - Hà Đông - Cát Linh, tuyến 4: Sóc Sơn - Nam Thăng Long - vành đai 2,5 - Bưởi, tuyến 5: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.
Về quy hoạch các điểm đỗ xe và hệ thống bến, bãi, dự kiến sẽ xây dựng 10 bến xe tải liên tỉnh và 4 trung tâm vận chuyển liên hợp; xây mới 9 bến xe khách liên tỉnh tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì và quận Hà Đông... Các bến xe khách hiện có như Nam Thăng Long, Giáp Bát, Gia Lâm, Lương Yên, Mỹ Đình sẽ được giữ nguyên để hỗ trợ các bến xe mới. Đồng thời cải tạo, nâng cấp và xây mới trên 80 điểm đỗ xe tại các quận nội thành và 2 huyện Đông Anh, Từ Liêm.../.
(Theo Lao động)