TP.Hồ Chí Minh: Phát triển xe buýt đường sông(Thứ sáu, 20/01/2012 08:01 GMT+7)

Hai tuyến buýt này đều xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1). Tuyến thứ nhất có chiều dài hơn 10 km với 10 bến đón và trả khách đi theo lộ trình: Sông Sài Gòn - kênh Thanh Đa (chạy qua quận Bình Thạnh và quận 2) - bến Bình Quới (quận Thủ Đức); tuyến thứ hai có chiều dài khoảng 11 km và có bảy bến đón và trả khách theo lộ trình: Bến Bạch Đằng - kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (chạy qua quận 5 và 6)-bến Phú Định (quận 8).

TP.Hồ Chí Minh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch rải đều trên khắp các quận, huyện rất thuận lợi để phát triển giao thông thủy. Tuy nhiên, tiềm năng này đang bị bỏ quên trong khi các phương tiện đường bộ chen chúc để lưu thông.

Hành khách di chuyển bằng buýt đường sông sẽ giảm tải được ùn tắc giao thông bộ 

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, thành phố hiện có gần 1.000 km sông rạch, trong đó nhiều tuyến sông, kênh như kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, rạch Tân Hóa - Lò Gốm... rất thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy và du lịch.

Hiện nay, thành phố có khoảng 320 cảng, bến, trong đó bốn cảng lớn là Sài Gòn, Tân Cảng, Bến Nghé và Nhà Bè. Riêng cảng Sài Gòn là một trong những cảng lớn nhất nước về năng lực chứa đựng hàng hóa. Có hơn 50 bến đò lớn nhỏ đủ điều kiện để phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách. Các con sông ở thành phố cũng cho phép nhiều tàu, thuyền từ 20 tấn trở lên qua lại.

Với tiềm năng này, nếu được quy hoạch và đầu tư hợp lí sẽ góp phần giảm tải tình trạng quá tải của giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố như hiện nay. Bởi theo các chuyên gia, nếu TP.HCM thu hút được người dân chuyển sang sử dụng buýt đường sông thay phương tiện giao thông cá nhân đường bộ thì mỗi ngày sẽ tiết kiệm gần 1,5 triệu USD do nạn kẹt xe gây ra. Tuy nhiên, chức năng chủ yếu của sông rạch TP.HCM hiện mới chỉ là tiêu thoát nước và vận tải hàng hóa, trong khi các phương tiện giao thông bộ ngày ngày đang phải đối mặt với nạn ùn tắc.

Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, mặc dù hệ thống sông ngòi, kênh rạch rải đều trên khắp các quận, huyện nhưng để phát triển, các cơ quan chức năng, đơn vị đầu tư cũng sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Chẳng hạn, độ tĩnh không của nhiều cây cầu quá thấp, để thực hiện được dự án, phải làm và tu bổ lại một số cầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí trong quá trình xây dựng. Việc thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án cũng rất khó khăn…

Ông Kỷ cũng cho biết, hơn 10 năm trước, TP.HCM đã thí điểm một tuyến buýt đường thủy lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1) về bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nhưng sau đó thất bại nên ngưng cho đến nay.

Trước thực trạng giao thông đường bộ thường xuyên bị ùn tắc và kẹt xe do quá tải, việc phát triển giao thông đường thủy được xem là một trong những giải pháp hết sức cần thiết. Chính vì vậy, UBND đã giao cho Sở GTVT TP.HCM nghiên cứu dự án xây dựng hai tuyến buýt sông đầu tiên với kinh phí hơn 100 tỉ đồng.

Hai tuyến buýt này đều xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1). Tuyến thứ nhất có chiều dài hơn 10 km với 10 bến đón và trả khách đi theo lộ trình: Sông Sài Gòn - kênh Thanh Đa (chạy qua quận Bình Thạnh và quận 2) - bến Bình Quới (quận Thủ Đức); tuyến thứ hai có chiều dài khoảng 11 km và có bảy bến đón và trả khách theo lộ trình: Bến Bạch Đằng - kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (chạy qua quận 5 và 6)-bến Phú Định (quận 8).

Dự án được đầu tư với 16 tàu trong đó tàu chở 100 khách/lượt là tám chiếc, các tàu còn lại chở khoảng 40 khách/lượt. Phòng Quản lý đường thủy, Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với Công ty TNHH Thường Nhật hoàn thành chi tiết dự án để sớm đưa vào triển khai.

Kiều Anh