Mô hình PPP - lời giải về vốn cho giao thông(Thứ hai, 06/02/2012 07:47 GMT+7)

Bài toán vốn là vấn đề hết sức nan giải đối với phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt nếu không có những đột phá trong phương thức quản lý cũng như những mô hình thu hút nguồn lực xã hội phù hợp.

Bài toán vốn là vấn đề hết sức nan giải đối với phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt nếu không có những đột phá trong phương thức quản lý cũng như những mô hình thu hút nguồn lực xã hội phù hợp.

 Đây là vấn đề trọng tâm trong Báo cáo đánh giá hiện trạng, kế hoạch nhiệm vụ giai đoạn 5 năm 2011-2015 của Bộ Giao thông vận tải và giải pháp tiên quyết được đề cập là việc sớm xây dựng thể chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội, trong đó đặc biệt chú ý tới mô hình hợp tác công – tư PPP.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cùng với các mô hình đầu tư BOT, BT…., PPP cần phải trở thành nguồn lực quan trọng để đảm bảo mục tiêu lớn trong xây dựng cơ bản nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng thời gian tới.

Khi ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu

Là ngành được ngân sách quan tâm, ưu tiên hàng đầu nhưng giao thông trong thời gian qua tiếp tục gặp vấn đề muôn thuở là khả năng vốn quá thấp so với nhu cầu đầu tư. Đơn cử năm 2011, nguồn vốn huy động dự tính chỉ đạt hơn một nửa so với yêu cầu đề ra. Đến tháng 8, tháng 9, nhiều chủ đầu tư đã tiêu hết kế hoạch vốn.

Cả năm 2011, vốn ngân sách Nhà nước thực hiện vượt 65% so kế hoạch, đạt 11.900/7.190 tỷ đồng được giao, giải ngân hơn 12.300 tỷ đồng. Ngay nguồn vốn ứng trước kế hoạch 2012 cũng vượt 7%, đạt 1.498/1.400 tỷ đồng.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, xuất phát từ thực tế phân bổ kế hoạch năm 2011-2012 cũng như những năm trước đây cho thấy, sẽ rất nan giải cho kế hoạch vốn hạ tầng giao thông 5 năm tới.

Xét nhu cầu thấp thì vốn cho giao thông trong 5 năm cần hơn 150.000 tỷ đồng, trong khi vốn huy động nước ngoài 88.000 tỷ đồng có thể cân đối được, còn lại khoảng 62.000 tỷ trong nước cần bố trí sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 20.000 tỷ đồng - tương đương 75% nhu cầu vốn đối ứng, chưa có nguồn cho các dự án trong nước, vốn góp dự án BOT…

Còn để thực hiện mục tiêu đột phá về hạ tầng như mong muốn, thì thêm khoảng 84.000 tỷ đồng chưa xác định được nguồn cần phải huy động.

Hiện nhiều ý kiến quan ngại khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH sẽ khó đảm bảo nếu như không có những đột phá mới trong cơ chế cũng như quản lý đầu tư, đặc biệt là việc tìm ra những mô hình thu hút vốn xã hội thực sự hấp dẫn và hiệu quả.

Có khả năng huy động 70-80 tỷ USD từ PPP

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai mô hình PPP theo đúng chuẩn mức, tập quán quốc tế sẽ khắc phục được các khiếm khuyết cũng của các dự án BOT, BTO bấy lâu đang triển khai ở Việt Nam và có như vậy mới đủ điều kiện để huy động được vốn tư nhân, đặc biệt là vốn tư nhân quốc tế.

Qua làm việc với các đối tác, chuyên gia quốc tế trong việc giúp Việt Nam xây dựng cơ chế và triển khai một số dự án thí điểm theo mô hình PPP, nếu thời gian tới Việt Nam thực hiện những nguyên tắc PPP tiệm cận với tập quán quốc tế và đặc biệt tạo một thị trường các dự án PPP trên cơ sở đấu thầu cạnh tranh, công khai và minh bạch thì các đối tác sẵn sàng tham gia và khẳng định việc huy động một nguồn lực bên ngoài khoảng 70 – 80 tỷ USD trong 10 năm tới là khả thi.

Đây sẽ nguồn lực to lớn đối với ngành giao thông khi tiền lệ cũng như định hướng mô hình này chủ yếu áp dụng trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường. Trong số 28 dự án ban đầu được đề xuất, hiện có tới 19 dự án giao thông, trong đó nhiều dự án quy mô lớn như Đường vành đai 4 TP Hà Nội, đường trên cao TP.HCM, đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đang được các nhà tài trợ phối hợp đánh giá tính khả thi để trình Thủ tướng cho làm thí điểm.

Bên cạnh đó, gánh nặng vốn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông vùng nông thôn, vùng khó khăn cũng sẽ  được san sẻ khi một số đối tác lớn như JICA đang  xây dựng mô hình Quỹ hỗ trợ đầu tư cho khu vực doanh nghiệp để triển khai một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng lồng ghép trong Chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.

Theo Bộ GTVT, vấn đề hiện nay để hiện thực hóa nguồn lực quan trọng PPP là việc đưa ra được các dự án thực sự có tính thương mại, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu của Quy chế PPP với các quy định về quy mô/công suất, kỹ thuật, công nghệ, địa điểm, nhu cầu sử dụng đất, xây dựng, môi trường, yêu cầu về tài chính, xác định tổng vốn đầu tư, phân tích hiệu quả và cả xác định phần tham gia của Nhà nước.

Trong điều kiện khó khăn, nhưng ngân sách cũng cần  ưu tiên bố trí để đáp ứng các cam kết với các nhà tài trợ về vốn tham gia, vốn  đối ứng. Đồng thời, tạo sự đồng bộ trong bộ mặt hạ tầng liên quan để các dự án PPP phát huy được hiệu quả. Đơn cử như các dự án dự kiến triển khai PPP như đường vành đai 4 Hà Nội, đường trên cao TP.HCM đều nằm trong một dự án tổng thể lớn hơn.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, cần thống nhất chủ trương với các nhà tài trợ về sử dụng vốn ODA tham gia vào các dự án có tính đột phá, coi đây là nguồn NSNN tham gia theo mô hình PPP./.

Chinhphu.vn