Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc (Thứ ba, 12/01/2010 15:22 GMT+7)

Sáng 12/01/2010, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Thế Tiệm cùng các đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công An, Ban ATGT các địa phương…

Sáng 12/01/2010, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Thế Tiệm cùng các đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công An, Ban ATGT các địa phương…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Thế Tiệm điều hành Hội nghị
Báo cáo tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010 do Chánh văn phòng ủy ban ATGT Quốc gia Thân Văn Thanh cho biết sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về nội số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm đáng kể ở cả 3 tiêu chí trong điều kiện phương tiện cơ giới đường bộ tiếp tục tăng nhanh, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.  

Năm 2009, cả nước đã xảy ra 12.492 vụ TNGT, làm chết 11.516 người, bị thương 7.914 người, so với năm 2008 giảm 390 vụ (giảm 3,0%), giảm 78 người chết (giảm 0,7%) giảm 152 người bị thương (giảm 1,9%). Trong đó tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 11.758 vụ, làm chết 11.094 người, bị thương 7.559 người, so với năm 2008 giảm 370 vụ (giảm 3,0%), giảm 149 người chết (giảm 1,3%), giảm 212 người bị thương (giảm 2,7%).  

Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia trình bày báo cáo tổng kết
Nguyên nhân chính vẫn chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông tuy đã có chuyển biến đo tác động mạnh mẽ của các chiến dịch truyền thông và cưỡng chế nhưng còn một bộ phận người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông, 85,5% số vụ tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông gây ra. Những lỗi vi phạm chủ yếu như vi phạm tốc độ quy định, đi không đúng làn đường, phần đường, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, vượt qua đường ngang đường sắt sai quy định. Hạ tầng giao thông tuy đã được đầu tư cải tạo nâng cấp nhưng chưa tương xứng với sự gia tăng nhanh của phương tiện giao thông, vi phạm hành lang an toàn đường bộ và đường sắt vẫn diễn biến phức tạp ở một số tuyến đường bộ, các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, số đường ngang dân sinh mở trái phép bị đóng lại ít hơn số vi phạm mới. Số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng: trong năm 2009, mô tô, xe gắn máy tăng 10,5%, ô tô tăng 14,1%. Chính quyền địa phương nhiều nơi, nhất là chính quyền cấp cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chỉ đạo điều hành thiếu quyết liệt, chưa kiên trì thực hiện, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong thời điểm tình hình phức tạp, nhất là việc quản lý vận tải khách ngang sông.

Toàn cảnh Hội nghị An toàn giao thông quốc gia

Trong năm 2009, các cơ quan quản lý nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo, nhiều văn bản đã được ban hành. Bộ Quốc phòng, các Cục Đường bộ Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa, Hàng hải, Cục CSQLHC về TTXH có văn bản triển khai Tháng An toàn giao thông. Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng loạt hoạt động Tháng An toàn giao thông, thu hút sự quan tâm của dự luận xã hội.
Nhìn chung, năm 2009 Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương đã chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quyết liệt, đồng bộ, tạo được quyết tâm cao từ trung ương đến địa phương, cơ bản đạt được yêu cầu đề ra.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ATGT năm 2009

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngày càng được chú trọng, quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã rất được chú trọng. Các cơ quan truyền thông như phát thanh, truyền hình và các báo ở trung ương và địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là Luật Giao thông đường bộ 2008 và "Văn hóa giao thông", tăng bài, thời lượng phản ánh các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng CSGT đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý ví phạm. Lực lượng CSGT đường bộ đã kiểm tra xử lý 5,9 triệu trường hợp vi phạm, thu nộp kho bạc Nhà nước 1.491 tỷ đồng, số vi phạm bị xử lý tăng 158.444 trường hợp, số tiền phạt tăng 117 tỷ đồng so với năm 2008. Trong đó đã xử lý 185.586 xe ô tô khách vi phạm và 526.510 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe gắn máy. Lực lượng CSGT đường thuỷ mở 4 đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường thủy, đã phát hiện xử lý 222.821 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc nhà nước 105,2 tỷ đồng, tước bằng chứng chỉ chuyên môn 1.128 trường hợp, đình chỉ hoạt động 1.128 phương tiện. Lực lượng thanh tra chuyên ngành GTVT đã tiến hành 45.140 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện, lập biên bản 98.665 vụ vi phạm, quyết định xử phạt 76:634 vụ với số tiền 62,3 tỷ đồng.

Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng trao cờ thi đua của UBATGTQG cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ATGT năm 2009
Bên cạnh đó ngành GTVT cũng nỗ lực cải thiện điểu kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông. Cục Đường bộ VN đã xem xét và quyết định đầu tư kịp thời nhằm khắc phục 50 “điểm đen" và điểm nguy hiểm gây mất an toàn giao thông với tổng kinh phí khoảng 30,8 tỷ đồng; đã đầu tư xử lý 106 vị trí và đoạn tuyến mất an toàn giao thông với tổng kinh phí 58.6 tỷ đồng. Cục Đường bộ VN chỉ đạo các đơn vị quản lý kết hợp với Thanh tra đường bộ tăng cường công tác thanh kiểm tra trên các tuyến quốc lộ để phát hiện và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ và các điểm đấu nối trái phép vào quốc lộ, nạn trộm cắp phá hoại công trình giao thông. Nâng cấp, sửa chữa 260 đường ngang giao với đường sắt; chuyển đổi 10 đường ngang dân sinh nguy hiểm thành đường ngang chính thức; chuyển 02 đường ngang đầu cầu Phú Lương thành hầm chui
Triển khai Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức tập huấn 04 lớp giáo viên dạy thực hành lái xe hạng FC và sát hạch viên sát hạch lái xe hạng FC cho các cơ sở ĐTLX. Về đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ năm 2009 đăng ký mới 190.571 ô tô và 2.658.895 mô tô, nâng tổng số phương tiện đang quản lý gồm 1.535.087 ô tô và 29.967.000 mô tô.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Sang năm 2010 công tác ATGT tiếp tục chú trọng tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cơ bản nhất về văn hóa giao thông, hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ban hành đủ văn bản hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ 2008. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; chở quá số người quy định, vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; không thực hiện quy định về thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm. Thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt 4 giải pháp lớn trong Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông. Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vui mừng với các kết quả đã đạt được của Ủy ban ATGT Quốc gia và các Ban ATGT địa phương. Phó Thủ tướng cho rằng ATGT là một công tác lâu dài đòi hỏi các giải pháp đưa ra phải đồng bộ và có tính vững chắc. Trong năm 2009 các địa phương và UBATGTQG đã thực hiện tốt các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, vì vậy tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả trên 3 tiêu chí. Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác tuyên truyền kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông, đặc biệt là xử phạt nguội các hành vi vi phạm từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân. Ngành giao thông sớm đưa ra các tiêu chí rõ ràng trong quản lý vận tải khách, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chủ xe, bến xe đối với các xe vi phạm.

Bộ trưởng, Chủ tịch UBQTGTQG Hồ Nghĩa Dũng hứa tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng
Thay mặt Ủy ban ATGT Quốc gia, Chủ tịch- Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã cám ơn những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và hứa sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo này.
BBT