Báo cáo giữa kỳ “Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến 2020 và định hướng đến năm 2030”(Thứ tư, 28/07/2010 17:30 GMT+7)

Thứ trưởng Trương Tấn Viên vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo giữa kỳ “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Thứ trưởng Trương Tấn Viên vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo giữa kỳ “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 và định hướng đến năm 2030”. Sau khi nghe Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đã kết luận những nội dung sau:

1. Phạm vi nghiên cứu: Do đặc thù của vùng, mối liên kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng cần mở rộng nghiên cứu đến các tỉnh lân cận (khoảng 10 tỉnh), trong đó phân tích, xác định vai trò thành phố Cần Thơ là trung tâm GTVT của toàn vùng.
2. Về đánh giá hiện trạng và sự cần thiết lập quy hoạch, cần nhấn mạnh phân tích các nội dung: hợp tác quốc tế và kết nối với Campuchia; nông, ngư nghiệp là thế mạnh của vùng với sản lượng lương thực, cây ăn trái và hải sản lớn; bờ biển dài nhưng không thuận lợi cho xây dựng cảng; nhiều kênh rạch nên thuận lợi cho vận tải thuỷ nhưng đường bộ bị chia cắt nhiều và nguy cơ ngập lụt; đầu tư phát triển GTVT trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào các tuyến giao thông chính yếu, những tuyến đường khác đang trong giai đoạn nâng cấp nhưng còn một số đoạn chưa có vốn; cảng biển và cảng hàng không bước đầu đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu vận tải nhưng chưa có cảng biển lớn; chưa có đường sắt, mối liên kết giữa các phương thức vận tải chưa có hiệu quả (kể cả đường bộ và đường sông); một số tuyến có tính chất kết nối liên vùng hình thành chậm.
3. Về quan điểm phát triển: nhấn mạnh những đột phá về chính sách và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải gắn với những lợi thế, đặc thù của vùng với Cần Thơ là cửa ngõ chiến lược về đường biển và hàng không; phát triển GTVT gắn chặt và phù hợp đặc thù của từng địa phương để tạo sự kết nối liên hoàn đồng bộ.
4. Mục tiêu phát triển cần xác định đưa hệ thống hạ tầng giao thông hiện có vào cấp để khai thác tối đa; đẩy nhanh tốc độ xây dựng các công trình trọng điểm; xoá cầu khỉ phù hợp với chiến lược phát triển GTNT.
5. Dự báo nhu cầu vận tải: Rà soát, kiểm tra số liệu thống kê, các số liệu đã được dự báo trong các chiến lược và quy hoạch chuyên ngành.
6. Quy hoạch: Bổ sung nội dung về an toàn giao thông, bảo trì CSHT và các điểm trung chuyển hàng hoá, hành khách, cập nhật quy hoạch cảng cạn đã được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ; các công trình cụ thể cần rà soát, thống nhất với các quy hoạch được duyệt; xác định các công trình ưu tiên đầu tư trong các giai đoạn quy hoạch; các chỉ tiêu, số liệu của vùng cần tổng hợp, phân tích so sánh với cả nước.
7. Tổ chức thực hiện: Giao Tổng Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo tư vấn chỉnh sửa báo cáo giữa kỳ và xin ý kiến các Cục quản lý chuyên ngành (đặc biệt về các vấn đề đánh giá hiện trạng, mục tiêu và quan điểm phát triển, các dự án chủ yếu) để hoàn thiện báo cáo cuối kỳ đáp ứng tiến độ yêu cầu.
ĐT