Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chủ trì Hội nghị giao ban thường kỳ tháng 10/2010(Thứ năm, 04/11/2010 12:14 GMT+7)
Ngày 04/11/2010, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban thường kỳ tháng 10 năm 2010. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu...
Ngày 04/11/2010, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban thường kỳ tháng 10 năm 2010. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, lãnh đạo các Vụ KHĐT, Tài chính, KCHT, KHCN, ATGT, TCCB, Môi trường, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng cục đường bộ VN, các Cục HKVN, HHVN, ĐSVN, ĐTNĐVN, ĐKVN, các Tổng công ty, Văn phòng BCĐ Nhà nước các dự án trọng điểm ngành GTVT, Báo GTVT, Tạp chí GTVT.

Hội nghị giao ban Bộ tháng 10 năm 2010
Báo cáo giao ban do ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT đọc tại Hội nghị cho biết trong tháng 10/2010, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải (đường bộ, đường sắt và hàng không) và các đơn vị liên quan bảo đảm phương án vận tải hành khách trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với đó vận tải hàng hóa 10 tháng ước tính đạt 585,5 triệu tấn, tăng 12,1% và 180,3 tỷ tấn.km, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 436,5 triệu tấn, tăng 13,1% và 23,9 tỷ tấn.km, tăng 14,3%; đường sông đạt 98,2 triệu tấn, tăng 5,1% và 15,7 tỷ tấn.km, tăng 1,1%; đường biển đạt 44,2 triệu tấn, tăng 20% và 137,2 tỷ tấn.km, tăng 10,3%; đường sắt đạt 6,4 triệu tấn, giảm 5,3% và 3,2 tỷ tấn.km, tăng 1,5%. Hàng thông qua cảng biển ước đạt 208 triệu tấn, đạt 100,3% so cùng kì năm trước. Trong đó: Hàng container tăng 19,1%; hàng lỏng tăng 16,4%; hàng khô giảm 18,7% (hàng khô chiếm gần 50% trên tổng số).
Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong tháng 9/2010, cả nước đã xảy ra 1.036 vụ tai nạn giao thông, làm chết 891 người, bị thương 750 người; so với tháng 8/2010: giảm 106 vụ (-9,3%); giảm 59 người chết (-6,2%), giảm 75 người bị thương (-9,1%); so với tháng 9/2009: tăng 134 vụ (+14,86%), tăng 68 người chết (+8,26%), tăng 151 người bị thương (+25,21%).
Trong tháng 9/2010, cả ba tiêu chí về tai nạn giao thông đều giảm so với tháng 8/2010, nhưng tăng so với tháng 9/2009. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, chỉ có số người chết giảm còn số vụ và số người bị thương đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương đã tích cực triển khai hoạt động Tháng ATGT năm 2010.
Trong lĩnh vực Đầu tư xây dựng cơ bản, trong tháng 10, Bộ đã tổ chức đoàn kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương: Hà Nội, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Bình, Phú Yên, Đồng Tháp, Cà Mau... về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải và giải quyết các khó khăn vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn như: Dự án cầu Nhật Tân, Dự án tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, dự án đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến Cát Linh- Hà Đông... ; phối hợp với các địa phương tổ chức chức Lễ thông xe và gắn biển Đại lộ Thăng Long cho Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, Lễ thông xe Gói thầu 3A - Gói thầu tiểu dự án kết nối và tổ chức giao thông thuộc Gói thầu 3 - Dự án cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội, Lễ khánh thành cầu Gành Hào, tỉnh Cà Mau...
Đối với lĩnh vực Công nghiệp giao thông vận tải: Giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2010 ước đạt 3.631 tỷ đạt 74,9% KH năm - giảm 9,5%; doanh thu 3649 tỷ đạt 79,3% KH năm - giảm 5,1% so với cùng kỳ 2009. (Số liệu này không tính ngành công nghiệp tàu thủy do Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam không gửi báo cáo). Trong đó, Giá trị sản xuất công nghiệp ô tô đạt 3.351 tỷ, đạt 74,3% KH năm - giảm 9,7%; doanh thu 3.442 tỷ đạt 78,6 KH năm - giảm 6,1 % so cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt trong tháng 10, Công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn đã được Bộ chỉ đạo một cách quyết liệt. Do tình hình thiên tai, mưa lũ diễn biến rất phức tạp tại khu vực các tỉnh miền Trung, một số tuyến quốc lộ, đường sắt bị chia cắt bởi mực nước dâng cao, nhiều điểm bị nước lũ cuốn trôi, gây sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Bộ đã thành lập 4 đoàn công tác bám sát và trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường công tác khắc phục hậu quả lụt lụt tại miền Trung; thường xuyên liên tục có công điện và báo cáo nhanh thông báo tình hình lũ lụt đến Ban Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN, các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nước rút đến đâu tập trung lực lượng hót taluy dương, gia cố taluy âm; rào chắn các đoạn ngập nước, taluy âm bị sạt và làm kè đá để bảo vệ nền đường; tổ chức gác 24/24h tại các vị trí nguy hiểm, phối hợp với lực lượng chức năng địa phương để tổ chức điều hành giao thông, đảm bảo an toàn, thông suốt; Cục Đường sắt VN, Tổng cty Đường sắt VN tổ chức, phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương trên địa bàn trung chuyển hành khách trên tuyến đường sắt bị ách tắc, đồng thời kiểm tra lại các đoạn tuyến hư hỏng để có biện pháp gia cố kịp thời ngay sau khi nước rút.
Bước sang tháng 11, Bộ tiếp tục tập trung hoàn thành và bảo đảm chất lượng các đề án văn bản quy phạm pháp luật, các đề án quy hoạch và các đề án khác theo đúng kế hoạch Chương trình công tác năm 2010. Cục QLXD&CLCTGT tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để các công trình, dự án được ứng vốn hoàn thành trong năm 2010. Song song với đó, Vụ KHĐT xây dựng kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngành GTVT giai đoạn 2011-2015, trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bê cạnh đó, Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức khắc phục sự cố, hư hỏng trên các tuyến quốc lộ tại khu vực miền Trung do ảnh hưởng của đợt mưa lũ tháng 10; đảm bảo thông xe toàn tuyến, tổ chức chuyển tiếp hành khách trên các chuyến tầu Thống Nhất bị kẹt do lũ... ; Đường sắt Việt Nam khẩn trương sửa chữa các đoạn đường sắt bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ, sớm nối thông tuyến Đường sắt Thống nhất phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời, Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các Cục, Tổng cục phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan duy trì chế độ ứng trực 24/24h theo dõi mọi diễn biến của bão, lũ để có biện pháp đối phó kịp thời khi có sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch.
BTT