I. Về thời gian tổ chức Liên hoan: 03 ngày, từ 21 - 23/11/2019 (sẽ có lịch trình và nội dung hoạt động chi tiết sau).
II. Về việc tham gia Hội thi báo cáo viên giỏi toàn quốc của các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc
Tính đến 17h00, ngày 21/10/2019, Ban Tổ chức Liên hoan đã nhận được hồ sơ đăng ký tham gia Hội thi báo cáo viên giỏi của 57/67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc với 129 thí sinh. Trong đó có 30 đơn vị tham gia đủ 03 thí sinh gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Thành phố Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Thanh niên Quân Đội. Có 12 đơn vị tham gia 02 thí sinh gồm: Yên Bái, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đoàn Khối Cơ quan Trung ương và Hà Nam. Có 15 đơn vị tham gia 01 thí sinh gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Bình Thuận, Tây Ninh, Hậu Giang, Hà Giang, Đoàn Thanh niên Bộ công an và Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương. Có 10 đơn vị không chọn cử thí sinh tham gia Hội thi gồm: Thái Bình, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Kon Tum và Bà Rịa - Vũng Tàu.
III. Về tổ chức vòng sơ khảo Hội thi báo cáo viên giỏi toàn quốc
1. Do điều kiện nhiều tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc gửi hồ sơ thí sinh tham dự Hội thi chậm so với tiến độ theo quy định tại Thông báo số 1, do vậy, Ban Tổ chức Liên hoan quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức bình chọn trên trang Fanpage Liên hoan báo cáo viên toàn quốc (fb.com/lienhoanbaocaovientoanquoc) bắt đầu từ 15h, ngày 24/10/2019 đến 15h00, ngày 03/11/2019 (không bình chọn trên Fanpage Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn-fb.com/bantuyengiaotwd theo Thông báo số 1).
2. Trên cơ sở kết quả bình chọn trên trang Fanpage Liên hoan báo cáo viên toàn quốc (fb.com/lienhoanbaocaovientoanquoc) và kết quả chấm điểm của Hội đồng chuyên gia, Ban Tổ chức sẽ công bố kết quả của vòng sơ khảo và danh sách 90 thí sinh có thành tích xuất sắc nhất tham gia vòng bán kết Hội thi báo cáo viên giỏi toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh công khai trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử của Trung ương Đoàn trước ngày 08/11/2019.
IV. Về hình thức tổ chức vòng bán kết và vòng chung kết Hội thi báo cáo viên giỏi toàn quốc
Căn cứ tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo tính thiết thực và chất lượng của Liên hoan, Ban Tổ chức Liên hoan điều chỉnh một số hình thức tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi tại vòng bán kết và chung kết như sau:
1. Tại vòng bán kết: Các thí sinh sẽ thực hiện 02 phần thi:
- Phần thi “Báo cáo viên hiểu biết”, các thí sinh sẽ trả lời trắc nghiệm bộ câu hỏi kiến thức gồm 50 câu, thời gian 30 phút. Hệ thống câu hỏi sẽ được lọc thành các bộ đề khác nhau theo các nội dung đã được nêu trong Thể lệ; các thí sinh căn cứ nội dung câu hỏi để chọn đáp án đúng theo thứ tự A, B, C, D trên hệ thống máy tính do Ban Tổ chức chuẩn bị. Mỗi câu trả lời đúng được 1.0 điểm. Điểm tối đa của phần thi này là 50 điểm.
- Phần thi “Báo cáo viên tài ba”, sau phần chấm điểm Đề cương chuyên đề tại vòng sơ khảo, các thí sinh tham gia vòng thi bán kết được phép hoàn thiện, phát triển nội dung đề cương chuyên đề. Các thí sinh sẽ bốc thăm chia thành 06 bảng thi tại 6 phòng thi khác nhau, mỗi phòng thi có 15 thí sinh. Mỗi báo cáo viên có tối đa 10 phút để trình bày nội dung theo chuyên đề đã chọn. Sau mỗi phần thi, đại diện thành viên “Hội đồng chuyên gia” sẽ dành 05 phút để trao đổi, nhận xét, đánh giá và gợi mở một số vấn đề liên quan đến phần thi của thí sinh.
- Cách chấm điểm:
+ “Hội đồng chuyên gia” cho điểm dựa trên các yếu tố: Nội dung chủ đề báo cáo sâu sắc, phù hợp, thiết thực với thanh thiếu nhi; đề cương bài thi (đúng, đầy đủ, lôgíc gắn với thực tiễn…); kỹ năng trao đổi (lưu loát, giao lưu tốt với người nghe, truyền cảm…); kỹ năng tương tác với người nghe; sử dụng các hình thức trực quan để minh họa thêm nội dung; phong cách, trang phục phù hợp…
+ Phần dự thi của mỗi thí sinh được chấm theo thang điểm 100. Điểm cho mỗi thí sinh là điểm trung bình cộng của từng thành viên Hội đồng chuyên gia.
+ Ban Tổ chức sẽ chọn 02 thí sinh cao điểm nhất ở mỗi bảng thi tham gia dự thi Vòng chung kết. Nguyên tắc lựa chọn thí sinh vào Vòng chung kết: Điểm trung bình cộng của 02 phần thi “Báo cáo viên hiểu biết” và “Báo cáo viên tài ba”, trong đó phần thi “Báo cáo tài ba” được nhân hệ số 2.
+ Đối với những thí sinh có số điểm bằng nhau thì Ban Tổ chức sẽ xét chọn ưu tiên báo cáo viên có số điểm phần thi “Báo cáo viên tài ba” cao hơn. Trong trường hợp các thí sinh vẫn bằng điểm nhau sau khi đã xét hết các phần thi, Ban Tổ chức sẽ đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm để lựa chọn thí sinh tham dự vòng chung kết.
2. Tại vòng chung kết: Các thí sinh sẽ tham gia 04 phần thi như sau:
2.1. Phần thi “Báo cáo thực tế”:
- Phần thi “Báo cáo thực tế”, 12 thí sinh tham gia vòng chung kết sẽ bốc thăm chia thành 03 bảng thi, mỗi bảng thi có 4 thí sinh tham dự. Các thí sinh sẽ thực hiện 01 buổi báo cáo thực tế chuyên đề cho đoàn viên, thanh niên tại 03 địa điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Mỗi địa điểm để thí sinh báo cáo thực tế có từ 100 - 200 đoàn viên, thanh niên tham gia học tập. Thời gian báo cáo thực tế tối đa không quá 20 phút.
- Tổng điểm của phần thi này là 100 điểm. Trong đó, điểm do các bạn học viên tham gia bình chọn là 40 điểm (bình chọn theo mẫu phiếu của Ban Tổ chức), điểm do “Hội đồng chuyên gia” chấm là 60 điểm.
- Ban Tổ chức sẽ chọn 02 thí sinh cao điểm nhất ở mỗi bảng tham dự phần thi “Người truyền lửa”.
- Trong trường hợp có 02 hay nhiều thí sinh bằng điểm nhau, Ban Tổ chức sẽ đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm để lựa chọn thí sinh xuất sắc tham dự phần thi “Người truyền lửa”.
2.2. Phần thi “Người truyền lửa”:
- 06 thí sinh xuất sắc nhất sẽ báo cáo thuyết trình theo chủ đề đã chọn từ các phần thi trước, có thể phát triển sâu thêm chủ đề, hoặc chọn chủ đề mới, trên cơ sở được Ban Tổ chức Hội thi đồng ý. Thời gian trình bày của mỗi thí sinh không quá 10 phút, trong khoảng thời gian này thí sinh có thể trình bày những vấn đề chính, mang tính khái quát của chuyên đề, hoặc trình bày 01 luận điểm mà thí sinh cảm thấy tâm đắc nhất, phù hợp nhất với khả năng của mình.
- Tổng điểm cho mỗi thí sinh của phần thi này là 100 điểm, trong đó 80 điểm do “Hội đồng chuyên gia” chấm và 20 điểm do “Nhóm giám khảo thanh niên” bình chọn. Cụ thể như sau:
+“Hội đồng chuyên gia” chấm điểm cho mỗi thí sinh bằng cách giơ bảng điểm trực tiếp sau mỗi phần thi của các thí sinh. Cách chấm điểm của “Hội đồng chuyên gia” dựa trên các yếu tố: nội dung (đúng, đầy đủ, lôgíc, gắn với thực tiễn...); kỹ năng thuyết trình, nói chuyện (lưu loát, giao lưu tốt với người nghe, truyền cảm...); khả năng sử dụng các công cụ bổ trợ (slide, clip, audio, bản đồ tư duy, giáo cụ trực quan...). 80 điểm của mỗi thí sinh trong phần thi này là điểm trung bình cộng của từng thành viên trong “Hội đồng chuyên gia”.
+“Nhóm giám khảo thanh niên” có số lượng là 50 người. “Nhóm giám khảo thanh niên” sẽ bình chọn và cho điểm thông qua ứng dụng di động dựa trên phần trình bày của thí sinh. 20 điểm của mỗi thí sinh trong phần thi này là điểm trung bình cộng của 50 người trong“Nhóm giám khảo thanh niên”.
2.3. Phần thi “Thanh vận khéo”:
- 06 thí sinh sẽ tham gia xử lý các tình huống thông qua xem các tiểu phẩm ngắn trên sân khấu do các nghệ sỹ biểu diễn (mỗi tiểu phẩm không quá 05 phút) về các nội dung theo định hướng của Ban Tổ chức. Các thí sinh sẽ bốc thăm ngẫu nhiên để lựa chọn các tình huống.
- Thời gian xử lý tình huống của mỗi thí sinh tối đa không quá 05 phút.
- Tổng điểm cho mỗi thí sinh của phần thi này là 100 điểm, trong đó 80 điểm do “Hội đồng chuyên gia” chấm và 20 điểm do “Nhóm giám khảo thanh niên” bình chọn. Cụ thể như sau:
+“Hội đồng chuyên gia” chấm điểm cho mỗi thí sinh bằng cách giơ bảng điểm trực tiếp sau mỗi phần thi của các thí sinh. Cách chấm điểm của “Hội đồng chuyên gia” dựa trên các yếu tố: nội dung (đúng, đầy đủ, lôgíc, gắn với thực tiễn...); kỹ năng thuyết trình, nói chuyện (lưu loát, giao lưu tốt với người nghe, truyền cảm...); kỹ năng xử lý vấn đề. 80 điểm của mỗi thí sinh trong phần thi này là điểm trung bình cộng của từng thành viên trong “Hội đồng chuyên gia”.
+ “Nhóm giám khảo thanh niên” có số lượng là 50 người. “Nhóm giám khảo thanh niên” sẽ bình chọn và cho điểm thông qua ứng dụng di động dựa trên phần trình bày của thí sinh. 20 điểm của mỗi thí sinh trong phần thi này là điểm trung bình cộng của 50 người trong“Nhóm giám khảo thanh niên”.
- Trên cơ sở tổng điểm của phần thi “Người truyền lửa” và phần thi “Thanh vận khéo”, 03 thí sinh có số điểm cao nhất (tính từ cao xuống thấp) sẽ tham gia phần thi “Thử tài tranh biện”. Cách tính điểm chọn 03 thí sinh tham dự phần thi “Thử tài tranh biên” là điểm trung bình cộng của 02 phần thi “Người truyền lửa” và “Thanh vận khéo”. Trong trường hợp có 02 hay nhiều thí sinh bằng điểm nhau, Ban Tổ chức sẽ đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm để lựa chọn thí sinh tham dự phần thi “Thử tài tranh biên”.
2.4. Phần thi “Thử tài tranh biện”:
- 03 thí sinh sẽ bốc thăm thành 03 cặp tranh biện, mỗi cặp tranh biện có 02 thí sinh. Cách chia cặp tranh biện cụ thể như sau: Giả sử có 03 thí sinh lần lượt là: Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B và Nguyễn Văn C, các thí sinh sẽ bốc thăm để chia 03 cặp tranh biện đổi chéo nhau như sau:
+ Cặp tranh biện 1: Thí sinh Nguyễn Văn A tranh biện với Thí sinh Nguyễn Văn B.
+ Cặp tranh biện 2: Thí sinh Nguyễn Văn A tranh biện với Thí sinh Nguyễn Văn C.
+ Cặp tranh biện 3: Thí sinh Nguyễn Văn B tranh biện với Thí sinh Nguyễn Văn C.
- Mỗi cặp tranh biện sẽ cùng xử lý và tranh biện một chủ đề hoặc một tình huống giả định theo quy định của Ban Tổ chức.
- Các thí sinh lần lượt đóng vai trò vừa là “Xây dựng” vừa đóng vai trò là “Phản biện”. Nếu ở cặp tranh biện 1, Thí sinh Nguyễn Văn A, đóng vai trò “Xây dựng” thì ở cặp tranh viện 2, Thí sinh Nguyễn Văn A, sẽ đóng vai trò là “Phản biện” và ngược lại. Cứ như vậy lần lượt đổi chéo nhau giữa 03 thí sinh.
- Thí sinh đóng vai trò “Xây dựng” là người sẽ đưa ra kế hoạch, phương án và các thông tin xử lý tình huống, qua đó thuyết phục, định hướng dư luận trong đoàn viên, thanh thiếu nhi. Thí sinh đóng vai trò "Phản biện" là người phản biện lại những vấn đề trong phương án xử lý của người kia, đưa ra các lập luận khác nhằm bảo vệ phần lập luận của mình để thuyết phục đoàn viên, thanh thiếu nhi.
- Thời gian tranh biện cho cho mỗi cặp tranh biện là không quá 20 phút. Mỗi thí sinh tranh biện có tối đa 10 phút để trình bày quan điểm của mình và chia làm 02 đến 3 lượt tranh biện, mỗi lượt tranh biện từ 2-3 phút.
- Các thí sinh của 03 cặp tranh biện lần lượt trình bày phần tranh biện của mình dưới sự điều khiển của "Trọng tài" (do Ban Tổ chức chỉ định hoặc kết hợp là người dẫn chương trình).
- Tổng điểm cho mỗi thí sinh của phần thi này là 100 điểm, trong đó 80 điểm do “Hội đồng chuyên gia” chấm và 20 điểm do "Nhóm Giám khảo thanh niên" bình chọn thông qua hệ thống trực tuyến.
3. Cách tính trao giải của Hội thi:
- 6 thí sinh không lọt vào phần thi “Người truyền lửa” sẽ được trao giải khuyến khích.
- 03 thí sinh không lọt vào phần thi “Thử tài tranh biện” sẽ được trao giải ba.
- 03 thí sinh tham gia phần thi “Thử tài tranh biện” của vòng chung kết sẽ được trao các giải nhất và nhì trên cơ sở điểm trung bình cộng của 03 phần thi: “Người truyền lửa”; “Thanh vận khéo” và "Thử tài tranh biện". Đối với những thí sinh có số điểm bằng nhau thì Ban Tổ chức sẽ xét chọn ưu tiên báo cáo viên có số điểm phần thi “Người truyền lửa” cao hơn. Trong trường hợp tổng số điểm của các thí sinh vẫn bằng nhau sau khi đã xét hết các phần thi, Ban Tổ chức sẽ đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm để phân định giải nhất và giải nhì.
- Căn cứ vào tình hình cụ thể, trên cơ sở kết quả của “Hội đồng chuyên gia”, Ban Tổ chức Liên hoan sẽ đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng các giải phụ khác.
V. Một số vấn đề cần lưu ý
1. Tính đến ngày 21/10/2019 mới có 39/67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã tổ chức Liên hoan hoặc Hội thi báo cáo viên giỏi cấp tỉnh. Qua nắm bắt, Ban Tổ chức Liên hoan nhận thấy, trên cơ sở kế hoạch của Trung ương, nhiều đơn vị đã chủ động, tích cực triển khai tổ chức Liên hoan, hoặc Hội thi với nhiều hình thức và cách làm sáng tạo; nhiều đơn vị đã tổ chức từ cấp cơ sở, cấp huyện, sau đó mới tổ chức Liên hoan cấp tỉnh để làm căn cứ rà soát, chọn lọc thí sinh tham gia Hội thi báo cáo viên cấp Trung ương. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, đầu tư cho nội dung hoạt động này; có 28 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc chưa tổ chức Liên hoan hoặc Hội thi ở cấp tỉnh; nhiều đơn vị không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo; 10 đơn vị không chọn cử báo cáo viên tham gia Hội thi cấp Trung ương.
2. Ban Tổ chức Liên hoan nhắc nhở và phê bình những tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc không tham gia Hội thi báo cáo viên giỏi cấp Trung ương lần này. Những đơn vị không tham gia Hội thi cấp Trung ương và không tổ chức Liên hoan, hoặc Hội thi cấp tỉnh đề nghị gửi công văn báo cáo giải trình về Ban Tổ chức Liên hoan và Ban Bí thư Trung ương Đoàn (qua Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn) trước ngày 30/10/2019.
3. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ Thông báo này, phổ biến quán triệt đến các thí sinh tham gia Hội thi của đơn vị mình và phát động sâu rộng trong đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia bình chọn, cổ vũ, động viên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cho các thí sinh của đơn vị mình tham gia Hội thi.
Trong quá trình thực hiện, những nội dung cần trao đổi, giải đáp đề nghị liên hệ với Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn (đ/c Nguyễn Hữu Ngọc - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, đt: 0978.252.258; đ/c Hoàng Đức Nam - Chuyên viên Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, đt: 0886.608.999; đ/c Đặng Bá Cường - Chuyên viên Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, sđt: 0922.291.295).