Buổi tọa đàm thu hút hơn 200 thanh niên đang học tập, làm việc ở nhiều lĩnh vực tham gia, dưới sự chủ trì của PGS-TS Nguyễn Ngọc Dung, Trưởng khoa Lịch sử (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và nhà báo Trần Trọng Kha, Trưởng ban Quốc tế Báo Thanh Niên. Bên cạnh đó có sự quan tâm, tham dự của các đồng chí cán bộ đại diện Ban Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Cụm.
Phát biểu tại Tọa đàm, anh Đào Quang Dũng - Cụm trưởng Cụm Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương khu vực phía Nam, Bí thư Đoàn cơ sở phía Nam (Cơ quan T.Ư Đoàn) nhấn mạnh: “Tọa đàm hôm nay với mong muốn các bạn trẻ có thể định vị lại bản thân, đón đầu những cơ hội cũng như nhận ra được những thách thức để biết cách vượt qua”.
Bạn Thạch Quý Lâm (sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia cở sở tại TP.HCM) đặt vấn đề: Thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm để tiêu thụ trên thị trường nhưng lâu nay khi chúng ta bàn về Cộng đồng kinh tế ASEAN nhưng người nông dân không biết gì cả. Làm sao phải tuyên truyền cho họ biết cần phải làm ra sản phẩm như thế nào để cạnh tranh với sản phẩm của các nước ngay tại sân nhà và trong khu vực.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Dung cho rằng: “Nếu thấy còn hạn chế về mặt tuyên truyền như thế, mỗi một bạn trẻ ngồi đây có sự hiểu biết nhất định thì phải trở thành những người có trách nhiệm, về trao đổi ngay với cha mẹ mình, họ hàng mình, hàng xóm, quê hương mình. Tất cả người dân Việt Nam nếu có sự đồng lòng như thế sẽ tốt biết bao”.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Dung, trong một vài năm tới, chúng ta sẽ thấy nhan nhản công dân nước ngoài sinh sống, làm ăn, buôn bán ngay tại đất nước chúng ta nên sự cạnh tranh về mọi mặt sẽ rất lớn.
Ở một góc độ khác, nhà báo Trần Trọng Kha nhấn mạnh: “Sau buổi tọa đàm này, các đơn vị Đoàn trong Cụm cần liên kết lại với nhau và phối hợp với chính quyền địa phương đến cấp xã triển khai ngay một công trình thanh niên để tuyên truyền về kiến thức liên quan đến Cộng đồng kinh tế ASEAN cho người dân nông thôn. Hình thức tuyên truyền bằng nhiều cách khác nhau, giúp họ nắm bắt rõ hơn về vấn đề này để biến những thách thức thành cơ hội, làm giàu cho chính bản thân, gia đình mình, quê hương mình”.
Anh Võ Quốc Thắng - Bí thư Đoàn Thanh niên Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đặt câu hỏi: Người trẻ Việt Nam làm gì để không bị tụt hậu so với thanh niên các nước?
Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Dung cho rằng: “Thanh niên Việt Nam phải hiểu được tuổi trẻ các nước ASEAN thật sự họ đang hiểu gì, làm gì; họ đang có những hoài bão, kế hoạch, lớn lao gì? Tôi xin đơn cử, ở Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM có khoảng 2.500 sinh viên nước ngoài (với 73 quốc tịch) đang theo học, thế nhưng chúng ta ít hiểu về họ hơn là họ hiểu về mình. Nhiều sinh viên của các nước như: Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc… khi họ đến Việt Nam thì họ chủ động học tập văn hóa, tìm hiểu phong tục tập quán của chúng ta; họ ăn uống, ăn mặc theo cách của chúng ta… có nghĩa là họ trở thành gần như người Việt Nam. Chính vì họ hiểu rất rõ về chúng ta nên khi họ kinh doanh, làm ăn tại Việt Nam rất thành công, còn chúng ta chẳng chịu tìm hiểu gì về họ. Vậy, nhiệm vụ của tuổi trẻ Việt Nam là phải tìm hiểu về thanh niên của các nước”.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Dung cũng đặc biệt lưu ý: “Tuổi trẻ không nên bi quan vì những khó khăn, những gì đang gặp phải mà phải có những hoài bão để góp phần tích cực cùng đất nước thúc đẩy quá trình hội nhập toàn thể về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của Việt Nam vào khu vực”.