Tỉnh Đắk Lắk đã có gần 650 nhà dân, trường học, công sở bị sập, tốc mái, hàng ngàn ha cây trồng bị ngập nước, ngã đổ, hàng trăm công trình thuỷ lợi nhỏ bị hư hỏng nặng, cuốn trôi.
Tại huyện Ma Đ’Rắc, địa phương bị ảnh hưởng của bão số 9 nặng nhất đã làm sập, tốc mái trên 500 nhà dân, trường học, tập trung nhiều tại xã Krông Jing, Ea Trang, Chư M’Ta và thị trấn Ma Đ’Rắc. Huyện Ma Đ’Rắc cũng có trên 200ha lúa, màu vụ hè thu bị hư hỏng, ngã đổ 5 cột điện làm mất điện kéo dài trong nhiều giờ tại trung tâm thị trấn.
Huyện Ea H’Leo cũng đã có gần 120 nhà dân bị sập, tốc mái, nặng nhất là xã Ea H’Leo có 105 nhà bị sập, tốc mái, hàng trăm ha hoa màu, cây công nghiệp cao su, càphê bị ngập nước, ngã đổ. Trên địa bàn huyện cũng bị ngập hai cầu làm chia cắt các xã Cư Bung, Ea Vy. Tại các huyện Krông Bông, Lắk, Ea Súp, Krông Ana nước các sông Krông Nô, sông Sêrêpốk dâng cao cũng gây ngập lụt cục bộ, ách tắc giao thông nhiều tuyến đường.
Trên quốc lộ 27, đoạn qua xã Buôn Triết nước lũ ngập, gây xói lở gần 15m. Hiện cường độ mưa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã giảm, nhưng gió đang gật khá mạnh. Tỉnh phân công cán bộ về phối hợp cùng với các địa phương giúp dân nhanh chóng khắc phục bão lũ.
Đến chiều 29/9, Gia Lai có 1 người mất tích chưa tìm thấy thi thể tên là Lưng (dân tộc Ba na) ở làng Konchara, xã Hà Ra, huyện Mang Yang sau khi anh cùng 2 người bạn đi rẫy về qua cầu tràn Đê Gơl thì bị lũ cuốn trôi, rất may 2 người cùng đi đã được cứu thoát.
Cũng tại Mang Yang, mưa lũ đã cuốn trôi một cầu tạm ở xã Lơ Bang. Giao thông đi lại ở 5 xã phía nam huyện là Lơ Bang, Kon Thụp, Đêr Ar, Đăk Trôi và Kon Chiêng bị cô lập do mưa lũ. Mố cầu tạm trên sông Ayun đi qua xã Ayun đã bị sạt lở.
Ông Hà Ban, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 9, đến tối 29/9 Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Những tuyến giao thông huyết mạch như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14 C và nhiều tuyến tỉnh lộ, nhiều đường giao thông từ trung tâm các huyện về xã bị ách tắc hoàn toàn do đất đá sạt lở và ngập nước. Hơn 40 cầu cống ngầm tràn bị nước lũ cuốn trôi. Bốn huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông hoàn toàn bị cô lập. Nước lũ đã làm sập hoàn toàn 20 ngôi nhà và làm tốc mái 132 ngôi nhà khác. Nhiều trường học trong tỉnh bị hư hại nặng. Toàn tỉnh có 157 công trình và hàng chục Km kênh mương bị lũ cuốn. Hơn 1.100 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp bị hư hại nặng. Hai nhà máy thủy điện Đắk Rơ Sa và Kon Đào (huyện Đắk Tô) ngập chìm trong nước. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 100 tỷ đồng.
Trong ngày 29/9, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam , Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phải hủy 4 chuyến tàu Thống nhất. Bên cạnh đó, tàu TN1 chạy đến Đồng Hới và tàu TN2 chạy đến Quảng Ngãi cũng phải quay lại để phục vụ hành khách đi những đoạn đường không bị ảnh hưởng bởi bão. Tùy vào tình hình thực tế của thời tiết Tổng Công ty sẽ đưa ra kế hoạch chạy tàu cho những ngày tiếp theo. Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng có công văn yêu cầu các nhà ga trên dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho hành khách đi tàu. Với những người đã mua vé đi trong những ngày bão, nếu không muốn đi nữa thì có thể đến ga trả lại vé mà không bị trừ tiền.
Đầu giờ chiều 29/9, bão số 9 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi. Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lớn làm sạt lở và chia cắt hoàn toàn các tuyến đường huyết mạch đi các huyện miền núi như Sơn Trà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, quốc lộ 24 đi Kon Tum và nhất là các tuyến đường từ trung tâm huyện miền núi đi về các xã.
Tại Thừa Thiên - Huế: Mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập lụt trên diện rộng. Huyện Hương Trà có 3.500 hộ dân bị ngập lụt sâu từ 0,2 đến 0,4m; các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thuỷ có hàng chục ngàn hộ bị ngập kụt. Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập nhiều đoạn, riêng đoạn qua thị trấn Lăng Cô ngập sâu 0,7m. Quốc lộ 49 đoạn qua Diên Trường, Phú Dương, Phú Thanh, Thuỷ Bằng ngập sâu từ 0,4 đến 0,7m. Đường Hồ Chí Minh bị sạt ta luy dương khoảng 1.290 m3 tại các điểm km 334+150; km 314+200; km 320+070 (đèo Pa Ke). QL 49A Huế đi A Lưới sạt ta luy dương 1.600 m3 tại các điểm km 75+100, km 92+450, km 92+400. Nhiều tuyến đường ở thành phố Huế, nhất là khu vực nội thành gồm các tuyến đường Thánh Gióng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Xuân Ôn, Trần Quốc Toản, Lê Đại Hành... bị ngập sâu từ 0,5m đến 0,7m giao thong ách tắc, phải dùng thuyền làm phương tiện đi lại. Khu vực bờ biển xã Hải Dương (huyện Hương Trà) sạt lở sâu vào đất liền 30m, trên tổng chiều dài 500m.
Nghệ An khắc phục sạt lở, thông các tuyến đường
Đợt mưa lũ này làm hư hỏng nghiêm trọng các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã và các công trình đang thi công tại các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn... gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 48 bị sạt lở gần 220 m chia cắt Quỳ Châu và Quế Phong, tỉnh lộ 532 ngập sâu hơn 10 m, đứt đường đầu cầu phía thị trấn Quỳ Hợp và sập cầu phía thượng lưu; thuỷ thống kênh Âu Vòm Cóc (Đô Lương) bị bùn đất bồi lấp trên 10.000 m3.
Ngay khi sự cố xảy ra, ngành giao thông vận tải Nghệ An chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn đảm bảo giao thông trên các tuyến đường bị ngập sâu và sạt lở, huy động mọi lực lượng nạo vét giải phóng đất đá ra khỏi nền đường để thông tuyến, mở các đường tạm khắc phục sạt lở trên các tuyến đường hư hỏng nặng.
Tổng hợp từ VOVNEWS, TTXVN