Hướng dẫn tăng cường tuyên truyền việc không săn, bắt, mua, bán, giết mổ, tiêu thụ động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm

Thứ năm, 22/07/2021 10:13 GMT+7

Ngày 19/7, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 13-HD/BTGTW về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn hướng dẫn này.

Ảnh minh họa

Thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI (Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã”; Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, thông qua việc tuyên truyền những quy định của pháp luật về các hành vi nghiêm cấm: săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam hành động chung tay bảo tồn, phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học; chia sẻ và lan tỏa thông điệp, tạo nên trào lưu và chuẩn mực xã hội tốt đẹp về lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện với môi trường thiên nhiên, hướng đến mục tiêu giảm thiểu nhu cầu sử dụng, đẩy lùi nguy cơ săn, bắt, buôn bán, góp phần ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam; góp phần tổ chức thực hiện hiệu quả trong xử lý các điểm đen về xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Thông qua hoạt động tuyên truyền tạo phong trào sôi nổi, tạo dư luận xã hội ủng hộ, lên án, tẩy chay; vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen trong cuộc sống hàng ngày góp phần giảm thiểu tiến tới chấm dứt săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, sinh động, thiết thực, hiệu quả và có tính giáo dục sâu sắc, tránh hình thức, phô trương, lãng phí; chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; kết hợp với các hoạt động tuyên truyền của địa phương, ngành; sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tuyên truyền; bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

- Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Công ước quốc tế về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên, quản lý động vật hoang dã, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES), Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ… tạo sự thống nhất trong xã hội về nhận thức và hành động tham gia bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Thực trạng và công tác bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam, nhất là thực trạng việc săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Vai trò, ý nghĩa, tác dụng của động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm đối với gìn giữ môi trường và đảm bảo đa dạng sinh thái.

- Trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp; của đảng viên, công chức, viên chức, doanh nhân và mỗi người dân trong tham gia bảo tồn động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Các mô hình hay, cách làm tốt, các tấm gương về bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm ở địa phương; khuyến khích, động viên mọi người dân tham gia phát hiện, ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý những hành vi buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm của các cơ quan chức năng.

- Các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài động vật, thực vật  hoang dã, nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, cấm khai thác và được khai thác có điều kiện; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật, động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Những quy định nghiêm cấm hành vi săn, bắt, động vật, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại; xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Các quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Giới thiệu các mô hình, xu hướng sản xuất xanh, lối sống xanh, tiêu dùng xanh tời cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm khơi dậy, thúc đẩy, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, thực vật trong toàn xã hội.

III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức: Lựa chọn các hình thức tập huấn phù hợp với đối tượng; tập huấn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Công ước Quốc tế và về thực trạng thực hiện các hành vi nghiêm cấm: săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Biên soạn các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, khẩu hiệu: Biên soạn, phát hành rộng rãi các tài liệu tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: tài liệu hỏi - đáp, tờ rơi, pano, áp phích, khẩu hiệu nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu: các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật, tính đa dạng sinh học của địa phương, của đất nước và những gương điển hình tiên tiến trong bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; thông qua nhiều hình thức như: thi viết, thi sáng tác văn học - nghệ thuật, thi sân khấu hóa.

- Tổ chức trưng bày, triển lãm: Tranh, ảnh, hiện vật… giới thiệu các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm và đa dạng sinh học của địa phương, đất nước.

- Tổ chức hội thảo khoa học: Phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan, đoàn thể tổ chức hội thảo về thực trạng, giải pháp và kiến nghị đối với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Xây dựng phim tuyên truyền: Xây dựng phim về điều kiện tự nhiên, khí hậu và đa dạng sinh học của địa phương. Đặc biệt, nhấn mạnh tuyên truyền các hành vi nghiêm cấm: săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Xây dựng, phổ biến các phóng sự, phim ngắn, lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học trong các chương trình truyền thông về môi trường trên các kênh truyền hình địa phương.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên sâu, tọa đàm trên truyền hình, đài phát thanh, cung cấp các văn bản pháp luật, hỏi đáp pháp luật, thông tin chuyên đề. Huy động sự tham gia của các cơ quan thông tin tuyên truyền tại địa phương như: các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, hệ thống loa phát thanh.

- Tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, mạng xã hội: Đăng tải thông tin/thông điệp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh/địa phương và của ngành.

- Lồng ghép nội dung tuyên truyền về động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm vào các hoạt động cộng đồng: trong hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, sinh hoạt hội viên, đoàn viên, sinh hoạt câu lạc bộ, các chiến dịch truyền thông…; các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...; các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường, hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch ngày Làm cho thế giới sạch hơn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các ban, bộ, ngành, cơ quan và đơn vị định hướng, chỉ đạo công tác tuyên truyền

1.1. Ban Tuyên giáo Trung ương

- Chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, xây dựng, ban hành hướng dẫn tuyên truyền; phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền (theo Quyết định 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; hội thảo khoa học; các cuộc thi; phim tài liệu… về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Tham mưu giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo, theo dõi và kiểm tra việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền ở bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.  

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, đánh giá và báo cáo về kết quả thực hiện; sơ kết, đánh giá kết quả tuyên truyền về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

1.2. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo Ban Tuyên giáo của cấp ủy, xây dựng, tổ chức, thực hiện kế hoạch tuyên truyền; định kỳ kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền của ngành, của địa phương.

- Chỉ đạo các tổ chức đảng tuyên truyền thông qua sinh hoạt, tài liệu nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc ngăn chặn những trường hợp tiêu thụ trái phép động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Tuyên truyền thông qua tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia tích cực và có thành tích trong việc phát hiện, ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Tuyên truyền tới các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội; xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, xã hội và môi trường thiên nhiên; cung cấp ra thị trường các sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; vận động cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm góp phần bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học của đất nước.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp, và các hành vi nghiêm cấm săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

1.3. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương và địa phương

- Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng triển khai công tác tuyên truyền; định kỳ đánh giá kết quả thực hiện báo cáo cấp ủy và cơ quan cấp trên trực tiếp về thực hiện các hành vi nghiêm cấm trong bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm cho cán bộ đảng viên trong ngành để mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên tích cực, tạo dư luận phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tôn vinh, biểu dương các tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong việc bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm; các cuộc thi tìm hiểu cho đoàn viên, hội viên.

1.4. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội

- Chủ động tham mưu với cấp ủy, kế hoạch, tài liệu tuyên truyền; phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên trong ngành gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Biên tập nội dung tuyên truyền vào Bản tin sinh hoạt chi bộ hoặc Thông tin công tác tuyên giáo; tuyên truyền trong các hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên của ngành, đoàn thể, địa phương.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, sơ kết các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm của địa phương, của ngành.

- Vận động, khuyến khích cán bộ tuyên giáo, phóng viên, biên tập viên và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đăng tải, chia sẻ thông tin, thông điệp trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo, youtube, VCnet.vn,…).

1.5. Các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương

- Có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: mở chuyên mục, các bài xã luận, chuyên luận, nghiên cứu với nội dung sâu sắc; tổ chức diễn đàn trao đổi.

- Tăng cường đưa tin, tuyên truyền nhân dịp ngày quốc tế về đa dạng sinh học, dịp tết nguyên đán, ngày về loài, ngày Môi trường Thế giới, ngày Làm cho thế giới sạch hơn… theo chủ đề từng năm; tuyên truyền về sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về vai trò, giá trị đa dạng sinh học đối với môi trường sinh thái và những quy định pháp luật trong bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; viết bài nhằm cảnh báo công chúng về mối đe dọa từ việc buôn bán, chế biến, sử dụng và tiếp xúc với các loài động vật hoang dã trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và không sử dụng động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh và Truyền hình địa phương tổ chức phát sóng phim tài liệu về môi trường, về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

2. Các ban, bộ, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền

2.1. Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo việc theo dõi, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc đăng tải, phổ biến thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước lợi dụng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, quy cấp, quý hiếm nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức pháp luật và các giải pháp bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, tuyên truyền, mua, bán mẫu vật động vật hoang dã bị cấm theo quy định của pháp luật.

2.2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, nhất là trên panô, áp phích, bảng điện tử, tranh ảnh và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao...

2.3. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức biên soạn các tài liệu tuyên truyền, các cuộc thi, hội thảo khoa học cấp quốc gia.

- Chỉ đạo sơ kết, đánh giá kết quả tuyên truyền về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm theo năm.

2.4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, sơ kết, đánh giá kết quả tuyên truyền về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp, các quy định của Đảng và Nhà nước; phối với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hội nghị tập huấn về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Tuyên truyền kết quả thanh tra, kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã, bảo đảm nguồn gốc động vật nuôi hợp pháp, điều kiện an toàn đối với vật nuôi, con người, vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh; tuyên truyền về xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ của động vật hoang dã gây nuôi.

- Chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để toàn xã hội theo dõi, giám sát.

- Tuyên truyền các biện pháp giám sát bệnh dịch, vệ sinh thú y tại các cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã của ngành.

2.5. Bộ Công an

- Phối hợp với các lực lượng liên quan tuyên truyền kết quả kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm trên cổng thông tin điện tử.

2.6. Bộ Quốc phòng

- Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và trên biển.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân khu vực biên giới không săn, bắt, nuôi, nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

- Tuyên truyền kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng

2.7. Bộ Công thương

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ các loài theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

2.8. Bộ Y tế

- Chỉ đạo rà soát, quản lý và tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh y, dược, các cơ sở sản xuất thuốc, sản phẩm y tế có sử dụng các thành phần từ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

2.9. Bộ Ngoại giao

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các tổ chức nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu hút nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ động vật, thực vật, hoang dã, nguy cấp, quý hiếm theo Công ước quốc tế.

2.10. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao

- Phối hợp, chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố các đối tượng vi phạm pháp luật về việc săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tàng trữ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm trái pháp luật.

- Tăng cường xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1- Sống hài hòa với thiên nhiên - Bảo tồn đa dạng sinh học!

2- Hành động vì thiên nhiên - Trách nhiệm của chúng ta!

3- Bảo tồn giá trị và tài sản quốc gia là không xâm hại động vật hoang dã!

4- Chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã!

5- Cùng nhau ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã!

6- Không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm!

7- Không giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm!

8- Không quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm!

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img