Quy định về chi phí thẩm tra an toàn giao thông công trình đường bộ

Thứ sáu, 19/12/2014 14:26 GMT+7
Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư liên tịch quy định về chi phí thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác.

Thông tư quy định rõ kinh phí thẩm tra an toàn giao thông công trình đường bộ đang khai thác. Đối với hệ thống quốc lộ, kinh phí thẩm tra an toàn giao thông được bố trí từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

Đối với hệ thống đường địa phương (đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện), kinh phí thẩm tra an toàn giao thông được bố trí từ Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Đối với đường thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), kinh phí thẩm tra an toàn giao thông được tính trong phương án tài chính của hợp đồng.

Đối với đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kinh phí thẩm tra an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác chịu trách nhiệm.

Chi phí thẩm tra an toàn giao thông gồm chi phí chuyên gia, chi phí vật liệu, chi phí khảo sát hiện trường… Chi phí chuyên gia được xác định theo số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia và tiền lương của chuyên gia. Chi phí vật liệu được xác định căn cứ vào chủng loại, khối lượng theo quy định hiện hành và giá của vật liệu được sử dụng. Chi phí khảo sát hiện trường được xác định theo thời gian số lần khảo sát, phương tiện sử dụng và các chi phí cần thiết khác trong quá trình khảo sát hiện trường.

Ngoài ra, trong thẩm tra an toàn giao thông còn có chi phí quản lý. Chi phí này là khoản chi phí duy trì hoạt động của tổ chức thẩm tra an toàn giao thông và các chi phí quản lý khác phục vụ cho công tác thẩm tra an toàn giao thông. Chi phí quản lý xác định bằng tối đa 55% của chi phí chuyên gia.

Thông tư cũng nêu rõ, các khoản chi thẩm tra an toàn giao thông chi không đúng chế độ, chi sai nội dung đều phải xuất toán thu hồi nộp ngân sách nhà nước, người nào ra lệnh chi sai người đó phải bồi hoàn cho công quỹ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2015.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)