Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo, dù chúng ta đi sau nhưng sẽ "đi tắt đón đầu", tiếp cận công nghệ ITS hiện đại, theo kịp xu thế của thế giới. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng mạnh mẽ, đảm bảo hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc tới đây sẽ tự động hóa cao, giảm bớt sự tham gia của con người.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Giao thông thông minh (ITS) đã được nhiều nước ứng dụng từ lâu, hiện Việt Nam đã triển khai được những gì, thưa ông?
Nhiều nước có thời gian dài phát triển và ứng dụng, họ triển khai theo hướng xây dựng những dịch vụ cơ bản của ITS, sau đó chuyển sang dịch vụ nâng cao.
Việc chuyển đổi số nhằm phục vụ công tác quản lý theo hướng hiện đại, cung cấp dịch vụ thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu nguy cơ mất ATGT, tạo tính minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính.
Ông Lê Thanh Tùng
Tại Việt Nam, từ năm 2010, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ dự án nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải, trong đó có quy hoạch tổng thể ITS, đưa ra khuyến nghị về các dịch vụ, hệ thống tiêu chuẩn và lộ trình thực hiện tại Việt Nam.
ITS cũng được ứng dụng trong quản lý, điều hành giao thông trên các tuyến đường cao tốc như TP.HCM - Trung Lương, Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình…
Vậy các dịch vụ được triển khai trong giai đoạn vừa qua là gì, thưa ông?
Đó là quản lý và điều hành giao thông, thu phí điện tử và kiểm soát tải trọng xe.
Trong đó, dịch vụ thu phí điện tử (ETC) đã được Bộ GTVT triển khai rộng khắp trên cả nước, mang lại hiệu quả to lớn cho người dân và xã hội. Đến nay, đã có hơn 5,6 triệu phương tiện (đạt tỷ lệ 96%) dán thẻ RFID phục vụ triển khai thu phí không dừng. Từ tháng 8/2022, các tuyến cao tốc chỉ thực hiện thu phí không dừng.
Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, chấp thuận nội dung Đề án đầu tư, quản lý khai thác hệ thống giao thông thông minh trên đường cao tốc, làm cơ sở triển khai các hệ thống được đồng bộ, hiện đại.
Tuy vậy, việc triển khai ITS thời gian qua mới giải quyết được câu chuyện đơn lẻ theo từng đoạn tuyến cao tốc. Nhiều nội dung như xây dựng kiến trúc tổng thể ITS, xây dựng định mức quản lý, vận hành, hình thành trung tâm quản lý, điều hành ITS quốc gia cần được tiếp tục hoàn thiện.
Đi tắt, đón đầu
Năm 2025, Việt Nam sẽ có 3.000km đường cao tốc và 5.000km vào năm 2030. Khi đó, cách tiếp cận công nghệ phải thế nào để đáp ứng yêu cầu?
Việc quản lý, vận hành hệ thống đường cao tốc có điểm khác biệt so với hệ thống quốc lộ.
Từ tháng 8/2022, các tuyến cao tốc chỉ thực hiện thu phí không dừng,
mang lại hiệu quả to lớn cho người dân và xã hội. Ảnh: Tạ Hải.
Khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhất là sau khi khai thác các dự án thành phần giai đoạn 1 (2017-2020), Bộ GTVT đã nhìn nhận vai trò quan trọng của ITS, từ đó thay đổi cách làm theo hướng đồng bộ cả về tổng thể và chi tiết.
Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo, dù chúng ta đi sau nhưng sẽ "đi tắt đón đầu", tiếp cận công nghệ ITS hiện đại, theo kịp xu thế của thế giới.
Ông vừa nói về những thay đổi, vậy nó sẽ được cụ thể hóa thế nào?
Đó là cách tiếp cận phải tổng thể và đồng bộ, cả về hành lang pháp lý, đầu tư xây dựng và cả trong quản lý vận hành.
Khái niệm giao thông thông minh đã được đưa vào Luật Đường bộ. Cụ thể hóa quy định này, Bộ GTVT đang xây dựng trình Chính phủ 2 nghị định: Nghị định hướng dẫn một số điều Luật Đường bộ, trong đó có quy định về cơ sở dữ liệu đường bộ và giao thông thông minh. Thứ 2 là nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, trong đó có lộ trình triển khai các hệ thống của ITS như: Hệ thống quản lý, điều hành đường cao tốc; Hệ thống cung cấp thông tin giao thông; Hệ thống quản lý giao thông công cộng; Hệ thống quản lý xe kinh doanh; Hệ thống thanh toán điện tử giao thông đường bộ…
Kiến trúc tổng thể về ITS cũng đang dần hoàn thành, đảm bảo kết nối giữa các tuyến cao tốc, giữa cao tốc với quốc lộ, giữa trung tâm điều hành đường cao tốc với trung tâm điều hành giao thông đô thị.
Việc triển khai ITS tại các dự án thành phần cao tốc giai đoạn 2 (2021-2025) đang được đẩy nhanh, phấn đấu hoàn thành đồng bộ khi đưa vào khai thác.
Ông đã đề cập đến câu chuyện đơn lẻ trên từng đoạn tuyến cao tốc, vậy việc này được khắc phục thế nào?
Trên cơ sở mạng lưới cao tốc được hình thành, Bộ GTVT sẽ tính toán xây dựng các trung tâm có khoảng cách phù hợp, thay cho việc xây dựng các trung tâm trên từng tuyến như trước đây.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều Luật Đường bộ cũng sẽ nghiên cứu hình thành Trung tâm ITS quốc gia nhằm thu thập thông tin toàn bộ mạng lưới cao tốc trên toàn quốc để phục vụ công tác quản lý, điều hành.
Về công nghệ, có điểm gì mới trong đầu tư hệ thống ITS lần này, thưa ông?
Thông tin trên các tuyến cao tốc được kết nối theo hướng tự động và liên thông trên toàn tuyến. Các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng mạnh mẽ, đảm bảo hệ thống ITS tự động hóa cao, giảm bớt sự tham gia của con người.
Việc xây dựng ITS trong giai đoạn này cũng phải đảm bảo nền tảng công nghệ để có thể tiếp tục mở rộng các dịch vụ ở thế hệ tiếp theo như phương tiện giao thông thông minh, xe tự lái…
Quản lý, điều hành bằng dữ liệu số
ITS rất quan trọng song cũng chỉ là một nội dung trong chuyển đổi số. Cách đây 1 năm, Bộ GTVT được xếp hạng là cơ quan dẫn đầu về chuyển đổi số, đến nay đã có thêm bước tiến nào, thưa ông?
Hai năm gần đây, Bộ GTVT đã triển khai chuyển đổi số đồng bộ, bài bản bằng việc ban hành chương trình, kế hoạch tổng thể và từng năm. Các hướng dẫn về kỹ thuật, tiêu chuẩn dữ liệu cũng được xây dựng song hành.
Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) đường cao tốc TP.HCM
- Long Thành - Dầu Giây. Ảnh Tạ Hải.
Cuối năm nay, Bộ GTVT sẽ hoàn thành 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng là: Kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Đây là cơ sở để Bộ GTVT quản lý, điều hành giao thông, công tác nghiệp vụ bằng dữ liệu số.
Một số lĩnh vực có tiếp xúc, ảnh hưởng nhiều đến người dân như: Đường bộ, đăng kiểm và hàng hải được chọn lựa tập trung chuyển đổi số, qua đó tạo đột phá, hiệu quả và sức lan tỏa.
Với đường bộ là cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giao thông thông minh. Đối với đăng kiểm, từ khâu làm thủ tục, đăng ký được thực hiện online, tạo được tính minh bạch trong thực hiện các nghiệp vụ.
Trong hàng hải là việc thúc đẩy cảng biển số nhằm tối ưu hiệu quả khai thác cảng, giúp giảm chi phí logistics.
Cảm ơn ông!