Nhiều công nghệ mới trong hoạt động duy tu bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường asphalt và công nghệ sửa chữa cầu, kết cấu bê tông cốt thép đã được các chuyên gia, doanh nghiệp đã giới thiệu tại Hội thảo do Cục Đường bộ VN tổ chức ngày 1/3.
Nhiều công nghệ mới để cơ giới hoạt động bảo trì
đường bộ để mang tới nhiều hiệu quả trong hoạt động
Cụ thể, các doanh nghiệp và nhóm nghiên cứu các giải pháp hữu ích đã lần lượt giới thiệu nhiều công nghệ mới để cơ giới hoạt động trung duy tu bảo dưỡng cầu, đường. Có thể kể đến công nghệ tái chế nguội tại chỗ để nâng cao hiệu quả đồng vốn bảo trì, giải pháp mới trong sửa chữa và nâng cấp công trình cầu cũ, yếu; Công nghệ và thiết bị duy tu đường bộ, như công nghệ và máy vá sửa mặt đường bằng thiết bị tái chế nóng tại chỗ; Máy và thiết bị duy tu lề đường, hệ thống thoát nước, máy duy tu hệ thống an toàn giao thông và máy kiểm tra cầu đường bộ....
Một trong những công nghệ được giới thiệu là công nghệ Neoweb nhằm gia cố mái taluy, đồng thời giúp tiết kiệm được lớp cấp phối đá dăm và lớp bê tông nhựa, lớp asphalt...
Theo ông Nguyễn Văn Trường (Công ty CP JIVC), Neoweb là hệ thống các rải ô ngăn hình dạng tổ ong được liên kết với nhau tạo thành các tấm có kích thước lớn. Vật liệu chế tạo là Nano Polymeric Alloy với độ bền hơn 100 năm và được nhà sản xuất bảo hành trên 30 năm. Vật liệu này có khả năng chống tại tác động của môi trường, sự xâm thực của nước mặn, tia UV...
Theo đó, hệ thống ô ngăn hình mạng giúp chống lại nở hông của vật liệu hạt rời, tăng mô đun đàn hồi của kết cấu áo đường. Đồng thời, kết cấu Neoweb có khả năng chịu lún tốt, thích hợp với những tuyến đường đi qua nền đất yếu.
Hiện nay, công nghệ này được áp dụng ở Việt Nam ở một số công trình như gia cố đường cho xe tải khai thác quặng tại Tập đoàn Vinacomin và vẫn đáp ứng nhu cầu về tải trọn, hay mở rộng QL3C Thái Nguyên, với khối lượng áp dụng khoảng gần 2km (năm 2021).
Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư,
chuyên gia trong lĩnh vực bảo trì cầu, đường bộ
Nói về việc áp dụng những công nghệ mới trong sửa chữa và nâng cấp công trình cầu cũ, yếu, ông Nguyễn Văn Hậu (Đại học GTVT) nhấn mạnh, nguyên lý chung trong việc sửa chữa, bảo trì công trình cầu là đảm bảo an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tham chiếu.
“Công nghệ phải đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến kết cấu hiện hữu cũng như không ảnh hưởng đến mỹ quan công trình. Cùng đó, phải đảm bảo giao thông nhanh chóng, đảm bảo khả năng duy tu và bảo trì, đánh giá và kiểm tra. Đặc biệt, công nghệ mới phải có giá thành hạ so với phương án xây mới, có khả năng thi công đơn giản, dễ kiểm soát”, ông Hậu nhận định.
Là đại diện nhóm giải pháp hữu ích để giới thiệu về công nghệ tái chế nguội tại chỗ, ông Đào Minh (Công ty Công nghệ bảo trì và nâng cấp đường bộ VN) khẳng định, quan điểm xuyên suốt của nhóm nghiên cứu là mặt đường hư hỏng là hỏng về kết cấu nhưng vẫn còn nguyên giá trị về vật liệu.
Do đó, các giải pháp mới tái chế nguội tại chỗ mang tới những lợi ích về môi trường, xã hội khi giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, việc tác động đến môi trường trong thời gian thi công (khói, bụi, khí thải, tiếng ồn...) ít và ngắn.
Công nghệ này dùng xi măng, nhũ tương nhựa để tái chế mặt đường. Mặt đường sau khi hư hỏng sẽ được tái chế tại chỗ, kết hợp tiền xử lý cao su nền, san gạt... nếu cần rồi phủ mặt mới. Mặt đường sau khi được phủ mới gồm lớp mặt mới, lớp sami, lớp móng tái chế nguội tại chỗ cùng phần móng cũ và nền đường cũ.
Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, nhà đầu tư tạo điều kiện để có sản lượng duy trì công nghệ, mang lại lợi ích cho ngành, địa phương và xã hội. Đồng thời, phải có cơ chế hiệu quả hơn trong áp dụng công nghệ mới trong việc đấu thầu, thi công, kiến nghị được chấp thuận giải pháp có hiệu quả hơn so với hồ sơ thiết kế. Cùng đó, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý tạo điều kiện để chia sẻ thông tin về công nghệ, tư vấn giải pháp, hỗ trợ tư vấn, triển khai chi tiết các nhiệm vụ.