Trước khi Đề án được Bộ GTVT phê duyệt, đã có nhiều hội nghị được tổ chức lấy ý kiến
(Ảnh Hội nghị lấy ý kiến Đề án do Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì tổ chức tháng 4/2023)
Đề án tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực đường bộ, từ đó đề ra các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến 2030.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với quan điểm ứng dụng toàn diện CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ từ trung ương đến địa phương nhằm duy trì, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, bền vững; quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe để đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
Đây vừa là yêu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, vừa là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các dự án đầu xây dựng để hình thành CSDL tập trung để phục vụ đa mục tiêu, đa mục đích cho nhiều Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý nguội các vi phạm của các Sở GTVT.
Mô hình tổng thể hệ thống thông tin Cục Đường bộ Việt Nam
Một số chỉ tiêu cụ thể được đề ra trong giai đoạn 2023-2025: 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục ĐBVN được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ GTVT; 100% dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Trung ương quản lý được thu thập và cập nhật vào CSDL...
Cùng với đó, xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động vận tải phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX); kiểm soát tải trọng xe theo hướng tự động phát hiện vi phạm; phấn đấu 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ nhằm tăng tính tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí xã hội.
Đề án đã xác định 28 nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030 như: xây dựng, hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật dùng chung; hoàn thiện hệ thống ứng dụng nội bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng CNTT, chuyển đổi số chuyên ngành; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.
Triển khai Quyết định phê duyệt Đề án, hiện nay Cục Đường bộ Việt Nam đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án giao, sớm đưa các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ.
Cục Đường bộ Việt Nam đã tích cực xây dựng và đưa vào
vận hành một số ứng dụng CNTT bước đầu đạt được một số kết quả nhất định
* Trước đó, phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về Đề án này, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, đơn vị đã nhận được rất nhiều văn bản của UBND các tỉnh, thành phố (do các Sở GTVT tham mưu) liên quan đến việc kết nối cơ sở dữ liệu giữa các địa phương với Bộ GTVT, trong đó có hai dữ liệu lớn, thứ nhất là dữ liệu của Đường bộ và Đăng kiểm; thứ hai là một số tỉnh hiện nay đang thực hiện xây dựng đô thị thông minh, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh đề nghị Bộ cũng như các lĩnh vực thuộc Bộ GTVT hướng dẫn cho các đơn vị trong việc xây dựng các dữ liệu ở địa phương để làm sao sau này tuân thủ theo kiến trúc chung của Bộ cũng như đồng bộ dữ liệu hoặc tích hợp chia sẻ khi Bộ và các Cục thuộc Bộ có yêu cầu.
“Đường bộ có yếu tố tác động đến người dân và doanh nghiệp rất nhiều, chúng ta bước ra đường là đã sử dụng ngay đến dịch vụ liên quan đến đường bộ. Trong thời gian qua, Cục đã tích cực triển khai các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của Cục, của các Sở GTVT, đồng thời phục vụ công tác cho người dân và doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan quản lý nhà nước khác trong việc phát triển kinh tế số, hệ thống số” - Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Cục đã tích cực xây dựng và đưa vào vận hành một số ứng dụng CNTT bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, các ứng dụng hầu hết được triển khai ở quy mô toàn quốc phục vụ công tác quản lý vận tải, đào tạo sát hạch, quản lý GPLX, đặc biệt là các DVC phục vụ công tác cải cách hành chính và hướng tới tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Xuân Nguyên