Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn nhiệm kỳ đột phá phát triển hạ tầng GTVT

Thứ năm, 25/07/2024 07:58

Là người đứng đầu Đảng ta gần 3 nhiệm kỳ đại hội Đảng liên tiếp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn chói lọi trong "bức tranh" phát triển hiện đại hóa ngành GTVT với gam màu chủ đạo "đột phá" phát triển hạ tầng qua từng Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn nhiệm kỳ đột phá phát triển hạ tầng GTVT- Ảnh 1.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cảng Vũng Áng (Ảnh TTXVN)

Tầm nhìn chiến lược từ Đại hội XI

Theo TS. Đỗ Văn Ba, nguyên Phó trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và tuyên truyền, tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Với vai trò là "Tổng công trình sư", đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo xây dựng Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng với quan điểm: "Huy động hiệu quả các nguồn lực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại" và "Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cầu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân".

Trong văn kiện trình  Đại hội XI thảo luận còn có "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020", lần đầu tiên Đảng đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có khâu đột phá: "Xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" với các định hướng rất cụ thể: "Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn nhiệm kỳ đột phá phát triển hạ tầng GTVT- Ảnh 2.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn

Từ định hướng quan trọng tại Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI, ngày 16/1/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết (số 13-NQ/TW) Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XI về việc "Xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020". Nghị quyết 13-NQ/TW khẳng định: Đa dạng hóa hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng.Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nâng cấp đường sắt hiện có, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ở các thành phố lớn. Trên cơ sở quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với lộ trình phù hợp; xây dựng một số cảng biển và cảng hàng không hiện đại; cải tạo và nâng cấp hạ tầng đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từng bước hình thành đồng bộ trục giao thông Bắc - Nam, các trục hành lang Đông - Tây bảo đảm liên kết các phương thức vận tải; xây dựng các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc, chỉ ra chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong đó, hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế.

Đa dạng hóa hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nâng cấp đường sắt hiện có, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ở các thành phố lớn. Trên cơ sở quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với lộ trình phù hợp; xây dựng một số cảng biển và cảng hàng không hiện đại; cải tạo và nâng cấp hạ tầng đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từng bước hình thành đồng bộ trục giao thông Bắc - Nam, các trục hành lang Đông - Tây bảo đảm liên kết các phương thức vận tải; xây dựng các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Nghị quyết số 13-NQ/TW là tiền đề để Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn nhiệm kỳ đột phá phát triển hạ tầng GTVT- Ảnh 3.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn này (2011 - 2015), ngành GTVT đã có bước đột phá vượt bậc, với việc đưa hai tuyến đường xuyên suốt trục Bắc Nam (QL1) và trục Đông Tây (QL14 - đường Hồ Chí Minh) vào khai thác, trong đó phần lớn các dự án được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, trong bối cảnh ngân sách dành cho đầu tư công còn nhiều hạn chế. Thông tin tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 13, Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách cho hạ tầng lên tới gần 190.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần hàng chục năm trước cộng lại. Cảng biển thu hút được hơn 121.000 tỷ đồng. Các cảng hàng không, sân bay phần lớn được đầu tư từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, với 22 cảng hàng không, sân bay dân dụng trên toàn quốc...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn nhiệm kỳ đột phá phát triển hạ tầng GTVT- Ảnh 4.

QL14 được hoàn thành trong năm 2015

Bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước đã chuyển biến rõ rệt. Hàng loạt công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác như: QL1, QL14, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga T2 Nội Bài, Plâycu, Đà Nẵng... Nhờ vậy, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp hạng chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 ở vị trí 67, tăng 36 bậc so với năm 2011.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Khát vọng cao tốc Bắc - Nam thành hiện thực

Cũng theo TS. Đỗ Văn Ba, tiếp nối những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 30 năm đổi mới, tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu vào cương vị Tổng Bí thư và với vai trò Trưởng tiểu ban Văn kiện cho Đại hội. Trong văn kiện của Đại hội XII tiếp tục yêu cầu, "Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin".

"Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Trong đó tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, tập trung ưu tiên cho các đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường bộ cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế lớn. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hoàn thành đầu tư xây dựng các cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực phía Bắc và phía Nam. Cải tạo, nâng cấp các cảng hàng không; phân kỳ đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn nhiệm kỳ đột phá phát triển hạ tầng GTVT- Ảnh 6.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII vào cuộc sống, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện khâu "đột phá chiến lược" về hạ tầng giao thông vận tải và đổi mới thể chế. Đánh giá kết quả trong giai đoạn 2016 -2021 về chất lượng dịch vụ vận tải có sự cải thiện vượt bậc, xuất hiện nhiều phương tiện hiện đại, chất lượng cao, nhất là vận tải hàng không, tăng gấp 5 lần năm 2011, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng, thời gian qua, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng. Trong năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỉ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%. Đặc biệt, đường bộ cao tốc ở khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam Bộ và phía bắc, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương nối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt...

Trong khâu đột phá về thể chế, Bộ GTVT đưa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, đây là điều kiện bản lề, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực GTVT. Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật, cho ý kiến 01 dự án Luật; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 Nghị định, 11 Quyết định, phê duyệt 15 đề án trong tổng số 22 đề án đã trình; Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 232 thông tư, phê duyệt 29 đề án. Bộ triển khai lập 05 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, đến nay đã được Thủ tướng phê duyệt cả 5 quy hoạch góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 3 đột phá chiến lược tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ so với nhiệm kỳ trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thực tiễn cũng xuất hiện những khó khăn, vướng mắc và những yêu cầu mới đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ hơn, sát hợp hơn các đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với mục tiêu: "Đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao". Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đại hội xác định một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện trong 5 năm tới là "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn nhiệm kỳ đột phá phát triển hạ tầng GTVT- Ảnh 7.

Xây dựng sân bay Long Thành

Một số chỉ tiêu cụ thể về hạ tầng giao thông đến năm 2025 là hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đặt ra mục tiêu về hạ tầng giao thông đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn nhiệm kỳ đột phá phát triển hạ tầng GTVT- Ảnh 8.

Đến thời điểm hiện nay đã có 2.021 km đường cao tốc được đưa vào khai thác

Đến thời điểm hiện nay, cả nước đã có 2.021km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Đặc biệt trục cao tốc Bắc- Nam đã cơ bản nối thông và hoàn chỉnh vào cuối năm 2025. Cùng với đó là 22 dự án cao tốc với chiều dài 1.094 km đang được triển khai thi công với tinh thần khẩn trương. Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT cùng các địa phương liên tục có mặt tại hiện trường, nắm bắt tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn từ cơ chế chính sách cho tới giải quyết tình trạng thiếu cát tại các dự án cao tốc phía Nam... phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng xong 3.000 km đường cao tốc.

Theo Bộ GTVT, để hiện thực hóa mục tiêu xa hơn, đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, hiện nay, Bộ GTVT và các địa phương đang tiếp tục triển khai đầu tư 35 dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2.074 km. Trong đó, 10 dự án đang thi công xây dựng như: Bến Lức - Long Thành, Cao Lãnh - An Hữu, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Hữu Nghị - Chi Lăng...

Bên cạnh đó, 13 dự án cao tốc (dài 691 km) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cân đối nguồn vốn như: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Mỹ An - Cao Lãnh, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Hòa Bình - Mộc Châu, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Hải Phòng...

Ngoài ra, còn 9 dự án đang lập chủ trương đầu tư (dài 678 km) gồm: Thái Nguyên - Chợ Mới, Cổ Tiết - Chợ Bến, Cam Lộ - Lao Bảo, Gò Dầu - Xa Mát, Quy Nhơn - Pleiku, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh... Ba dự án (dài 79 km) nâng cấp 3 tuyến đang khai thác thành cao tốc hoàn chỉnh, gồm: Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Phủ Lý - Nam Định, Hưng Yên - Thái Bình.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, đến thời điểm này các dự án trọng điểm Sân bay quốc tế Long Thành gồm các hạng mục: nhà ga hành khách, công trình khu bay, nhà han hàng hóa số 1, đường hạ cất cánh, đường kết nối nhà ga đang gấp rút hoàn thành. Dự án Đường sắt tốc độ cao đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và đang chuẩn bị các khâu đầu tư...

Theo TS. Đỗ Văn Ba, với vai trò "Tổng công trình sư" phát triển đất nước, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư duy sắc bén, nhạy cảm kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển đất nước được cụ thể hóa trong xây dựng cương lĩnh, văn kiện của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước; trong đó một trong những thể hiện đậm nét nhất là chỉ đạo đột phá phát triển GTVT cũng như kết quả xây dựng hạ tầng GTVT từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến hôm nay .

 

Nguồn: Tạp chí GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:113729
Lượt truy cập: 170.428.253