Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri đề nghị đổi tên Luật Đường bộ thành Luật Công trình giao thông và vận tải đường bộ; vì sau khi tách nội dung quy định về trật tự, an toàn giao thông thành một luật riêng thì nội hàm của Luật Giao thông đường bộ vẫn còn 2 lĩnh vực quan trọng là xây dựng và quản lý công trình giao thông đường bộ và tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đường bộ; do đó nếu chỉ đặt tên một cách chung chung là Luật Đường bộ sẽ không thể hiện được nội hàm mà nó chuyển tải”.
Tại Công văn số 8157/BGTVT-PC ngày 31/7/2024, Bộ GTVT trả lời cử tri Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, góp ý đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau: Ngày 27/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Đường bộ), có hiệu lực kể từ ngày 1/01/2025, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 2 Luật Đường bộ có giải thích thuật ngữ “Hoạt động đường bộ bao gồm: hoạt động về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ”. Như vậy, tên “Luật Đường bộ” đã thể hiện được rõ nội hàm chuyển tải và phạm vi điều chỉnh của Luật.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.