Đến năm 2020 cơ bản nối thông hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam

Thứ hai, 25/01/2016 15:13 GMT+7

Ngày 24/1, trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội lần thứ XI của Đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (ảnh) cho biết, từ nay tới năm 2020, nước ta cần khoảng 40 - 50 tỷ USD cho phát triển hạ tầng giao thông. “Năm 2015, chúng ta đã giải ngân được 87.000 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD). Như vậy, trong 5 năm tới, mỗi năm chúng ta phải huy động trung bình 7 tỷ USD và đây là một thách thức lớn” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Để có thể huy động được lượng vốn đầu tư khổng lồ trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trước hết là phải hoàn thiện cơ chế thông qua hệ thống pháp luật để huy động đa nguồn lực, vì nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước sẽ rất khó khăn. Phải làm sao để khối tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông mạnh mẽ hơn. Muốn vậy, phải có chính sách để đảm bảo lợi ích cho tư nhân khi tham gia đầu tư như cơ chế về phí, giá, chia sẻ rủi ro. Đồng thời, phải xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều này cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, các địa phương liên quan.

Trước đó, tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã báo cáo đại hội các mục tiêu cơ bản về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, về đường bộ, đồng thời với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000km đường bộ cao tốc. Trong đó, sẽ cơ bản nối thông cao tốc Bắc - Nam: hoàn thành các tuyến cao tốc đang thi công Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan; khởi công mới các đoạn tuyến Ninh Bình - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Nha Trang - Phan Thiết - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đồng thời, tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu, như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bắc Giang - Đồng Đăng, Hạ Long - Hải Phòng, Vân Đồn - Móng Cái, TPHCM - Mộc Bài, Dầu Giây - Liên Khương... Nâng cao khả năng khai thác các tuyến cao tốc hiện có thông qua việc đầu tư các tuyến kết nối với đường cao tốc, như: kết nối Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; kết nối cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kết nối Cao Bằng với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; hoàn thành các hầm Đèo Cả, Cù Mông, hầm Hải Vân giai đoạn 2…

 

 

Sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc quan trọng
nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000km đường bộ cao tốc

Về đường sắt, sẽ tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90km/giờ đối với tàu khách và 50 - 60 km/giờ đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn. Nghiên cứu phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1.435mm, điện khí hóa, dùng chung cho tàu khách và tàu hàng, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200km/giờ, như đoạn Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Về hàng không, sẽ tập trung nâng cấp đồng bộ các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, hiệu quả các cảng hàng không, đưa tổng năng lực các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội. Đầu tư cảng hàng không Vân Đồn, Lào Cai, Lai Châu và Nà Sản bằng hình thức xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nguồn: Báo SGGP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img