Quan điểm về BCCMVN của Người tựu trung ở ba vấn đề:
1. Xác định và tuân thủ đúng mục đích của tờ báo cách mạng
Nói theo thuật ngữ hiện nay thì đó là xác định và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Mục đích của BCCMVN, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh có ba điểm lớn: (1) Vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản; (2) Vì sự nghiệp xây dựng một xã hội mới tốt đẹp - xã hội XHCN ở Việt Nam; (3) Vì sự nghiệp giải phóng con người trên trái đất, trước hết là những người lao động (cả lao động chân tay và lao động trí óc), vì hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển.
Hễ khi nào tờ báo, người viết báo bị sa sẩy, chệch hướng đối chiếu với một trong ba điểm đó, hai trong ba điểm đó hoặc cả ba điểm đó thì tờ báo đó, nhà báo đó không phải/không còn là “nhà báo cách mạng” nữa. Có thể coi đây là thước đo, là tiêu chí để đo tính “cách mạng” của tờ báo, nhà báo. Dù tờ báo có hình thức “bắt mắt” (báo viết, báo hình), “bắt tai” (báo nói) thế nào đi chăng nữa; người viết báo có giỏi dùng phương pháp/thủ pháp đến mức nào đi chăng nữa để gây hấp dẫn cho người đọc, nhưng nếu bước ra ngoài các tiêu chí đó thì coi như hỏng, hỏng hẳn. Trong chế độ chính trị XHCN ở Việt Nam, những trường hợp này chắc chắn, không chóng thì chầy sẽ bị xử lý theo luật định và cũng chắc chắn sẽ bị người đọc chân chính tẩy chay, lên án. Kết quả/số phận cuối cùng của tờ báo kiểu đi chệch mục đích cách mạng như thế là sự cáo chung, tức là bị “chết” trong làng báo.
Lấy ngay tờ báo Thanh niên - tờ báo là khởi đầu của nền BCCMVN làm chuẩn cho quan điểm này. Báo đã tuân thủ mục đích lên án ách cai trị của thực dân Pháp, vạch trần các luận điệu mị dân của chúng, cổ vũ phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, cung cấp thông tin về phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống thực dân đế quốc. Với mục đích đó, Báo Thanh niên đã góp phần rất tích cực trong việc chuẩn bị thúc đẩy sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Trong vai trò là “tiền thân” đó, tờ báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930, mở ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng cho cách mạng Việt Nam trên con đường cách mạng vô sản.
Còn tờ báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, ra số đầu tiên ngày 01/8/1941 (để giữ bí mật, báo ghi số đầu là số 101) đã nêu rõ mục đích: “cốt làm cho dân ta hết nghèo, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”. Khi cổ động cho tờ báo này, một lần nữa Bác còn nêu mục đích trong bài thơ Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập.
Trong số 103, ngày 21/8/1941, Người còn viết bài thơ: “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa/Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”(1). Bài thơ này đặt dưới bức tranh cổ động độc đáo, Người dùng các chữ Việt Nam độc lập vẽ ghép thành hình một thanh niên cầm cờ đỏ sao vàng thổi kèn.
2. Quan điểm về phương pháp làm báo
Tính mục đích chi phối phương pháp làm báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý tới quan điểm về phương pháp hoạt động báo chí cách mạng, trong tất cả các chuỗi/công đoạn của nó. Tờ báo phản ánh mức độ cơ sở vật chất của từng thời kỳ (chất liệu giấy, mực in, kỹ thuật in). Nhưng, nó còn phản ánh trình độ, phương pháp trình bày của người làm báo cũng như cách phát hành, phổ biến, tuyên truyền báo. Đặc biệt, Người rất chú ý đến việc viết báo. Người hay đề cập: viết cho ai, viết cái gì, viết như thế nào? Từ sự nghiệp báo chí cách mạng của Bác, chúng ta thấy toát lên ba điểm: viết ngắn gọn, súc tích; viết đủ các thông tin cần thiết nhất; viết hấp dẫn.
(1) Ngắn gọn, súc tích. Thời Bác sống chưa có báo nghe - nhìn (truyền hình vô tuyến và truyền hình kỹ thuật số, báo online - báo mạng Internet) mà chủ yếu là báo giấy và báo nói - phát thanh qua radio. Dù khổ báo nhỏ hay lớn, dù báo có nhiều trang hay ít trang, dù báo ra hằng ngày, báo tuần hay báo tháng, dù buổi phát thanh có dài hay ngắn, Bác Hồ vẫn rất chú trọng tới tính ngắn gọn, súc tích của bài báo. Người hay phê bình cách viết “dây cà ra dây muống”, “tràng giang đại hải” mà nội dung nghèo nàn. Những bài báo Người viết bao giờ cũng ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung định thể hiện. Đáng tiếc là trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta thấy vẫn còn nhiều bài báo khá dài, điều này càng không phù hợp với điều kiện khối lượng thông tin khổng lồ, rộng, nhanh và nhạy của thời cách mạng công nghệ 4.0.
(2) Đủ các thông tin cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không tán thành những bài báo ngắn nhưng lại “cụt quằn”, nghĩa là không nêu được và chuyển tải được thông tin đến bạn đọc những thông tin cần thiết. Vấn đề này là cực khó đối với người viết, vì yêu cầu được đặt ra là ngắn mà phải đủ, hai chữ “súc tích” nói lên ý nghĩa của yêu cầu này. Đọc lại những bài báo Người viết, chúng ta thấy rất rõ điều đó, thường bài báo chỉ khoảng 500 chữ. Thậm chí, có bài tháng 5/1948, Bác trả lời phỏng vấn của Báo FRÈRES D’ARMES, PV báo này hỏi 30 chữ, Người trả lời chỉ 38 chữ. Thật ngắn gọn, ngắn nhưng đủ những nội dung cơ bản, không rườm rà(2).
(3) Hấp dẫn. Viết ngắn mà lại hấp dẫn là rất khó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học làm báo (cả viết báo và quản lý tờ báo) rất có hiệu quả, đạt tới trình độ cao, trở thành một người viết báo bậc thầy về thủ pháp.
Bút pháp của Bác không lẫn vào đâu được, từ cách dùng từ dân dã, từ cách dùng hình ảnh, dùng ca dao, tục ngữ (các nhà ngôn ngữ cả ở trong nước và trên thế giới đều cho rằng, tục ngữ chính là sự thể hiện tính chất thông thái của mỗi cộng đồng người). Ngay cả việc viết theo lối hay xuống dòng thì ở Bác cũng rất lạ vì Bác rất hay sử dụng, có lẽ đó là cách để người đọc dễ theo dõi, tránh bị mỏi mắt khi đọc những trang ngồn ngộn chữ. Đó là chưa kể tự bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác tranh vẽ và Người khuyến khích các báo có tranh vẽ, ảnh minh họa cho sinh động.
3. Chú trọng rèn luyện đạo đức của người làm báo cách mạng
Làm nghề báo phải thoát khỏi mọi cám dỗ, nhất là những cám dỗ về vật chất. Cho nên, trong phần Tư cách của người cách mạng của tác phẩm Đường Kách mệnh, Bác đã nêu lên yêu cầu “Ít lòng tham muốn về vật chất”(3), cũng như khi trả lời các nhà báo nước ngoài, tháng 01/1946, Bác nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào… Không dính líu gì với vong danh lợi”(4). Thời buổi hiện nay, sức cám dỗ về danh lợi càng lớn. Đã có một số ít nhà báo “bán mình” bởi hám lợi. Một số tờ báo có xu hướng “lá cải”, bị thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích. Do vậy, đạo đức cách mạng của nhà báo phải luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Bài báo viết ra có thể nội dung còn hạn chế, phương pháp thể hiện có thể chưa thật hấp dẫn nhưng không thể và không được phép vi phạm đạo đức cách mạng. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Người và là yêu cầu nghiêm khắc nhất trong hành nghề BCCMVN.
GS. TS. MẠCH QUANG THẮNG