Để quản lý việc ra vào bến xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thí điểm phần mềm quản lý bến xe. Trên địa bàn Hà Nội, phần mềm quản lý này đã được triển khai hơn 3 năm nay tại 3 Bến xe Gia Lâm, Giáp Bát và Mỹ Đình, mang lại kết quả khả quan, quản lý chặt chẽ các xe ra - vào bến.
Toàn bộ việc quản lý tại Bến xe Gia Lâm đã được số hóa
Số hóa quản lý bến xe
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước không có thông tin đầy đủ về hoạt động của bến xe mà phải đợi các bến báo cáo nên mất rất nhiều thời gian. Cùng với đó, thống kê bằng phương pháp thủ công có nhiều sai sót dẫn tới cơ quan quản lý không có con số thống kê chính xác. Ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng xong phần mềm theo hình thức xã hội hóa và áp dụng thí điểm tại một số bến xe như: Bến xe trung tâm Đà Nẵng; Bến xe Thượng Lý, Niệm Nghĩa, Lạc Long (Hải Phòng); Bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm (Hà Nội); Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ; Bến xe Trung tâm Đắk Lắk trước khi chính thức đưa vào sử dụng đại trà.
Theo đó, thông tin hoạt động tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục giữa các bến xe với cơ quan quản lý Nhà nước. Phần mềm sẽ tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến cũng như toàn bộ các bến xe khách trong toàn quốc. Các sở GTVT sẽ cập nhật vào hệ thống của Tổng cục đầy đủ dữ liệu về cơ sở hạ tầng bến xe trên địa bàn và giám sát quá trình hoạt động của bến.
“Các đơn vị sẽ phải cập nhật về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lịch xe xuất bến của toàn bộ các tuyến; danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên từng tuyến tại bến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký. Thông tin của toàn bộ các chuyến xe ra vào bến như: biển kiểm soát, lái phụ xe, tuyến đường chạy, số lượng hành khách xuất bến và các trường hợp vi phạm cũng như hình thức xử lý tại bến… cũng được cập nhật liên tục”, ông Đỗ Công Thủy cho hay.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mục tiêu của đề án là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải tại các bến xe nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giúp công khai, minh bạch hoạt động của bến xe khách, phục vụ tốt công tác thanh tra, kiểm tra.
Hà Nội đi đầu
Tại Hà Nội, từ năm 2013, Công ty CP Bến xe Hà Nội đã áp dụng quản lý bến xe thông qua phần mềm được triển khai tại các Bến xe Gia Lâm, Giáp Bát và Mỹ Đình. Toàn bộ hoạt động xe ra/vào tại 3 bến xe này sẽ được truyền trực tiếp về Công ty Bến xe Hà Nội.
Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm thông tin, việc đưa phần mềm vào quản lý giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo tính khoa học và chính xác. Theo đó, toàn bộ xe khách ra/vào bến sẽ được camera tự động chụp lại, hình ảnh được truyền về phòng dữ liệu, chuyển hóa thành số liệu. Xe khách nào không có “nốt” mà tự vào bến, xe nào hết hạn… sẽ được nhận diện ngay sau đó. Đối với xe ra bến, dữ liệu được truyền về phòng quản lý, giám sát, toàn bộ thông tin như xe chạy tuyến nào, giờ xuất bến, tên lái xe và thậm chí thời gian đăng kiểm xe cũng sẽ được hiển thị. Nếu nhà xe đáp ứng đầy đủ, bến sẽ tự động mở lệnh mà nhà xe không cần phải gặp nhân viên bến xe để đăng ký lệnh, lấy lệnh xuất bến.
Thậm chí, với những nhà xe sắp hết hạn hợp đồng, hạn đăng kiểm, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo trước 5 ngày. Nếu quá hạn trên mà nhà xe không đáp ứng, hệ thống sẽ tự động đóng lệnh với xe đó. “Phần mềm này giúp bến xe quản lý chặt chẽ hơn, nhanh hơn, tiện lợi hơn rất nhiều và quan trọng là giảm giao tiếp trực tiếp giữa nhân viên bến xe với nhà xe, tức là góp phần hạn chế tiêu cực (nếu có). Bến xe cũng không phải báo cáo lên đơn vị quản lý là Công ty CP Bến xe Hà Nội vì mọi hoạt động ở bến đều đã truyền về máy chủ tại công ty hàng ngày”, ông Nguyễn Như Trúc chia sẻ.