Sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô tại Việt Nam

Chủ nhật, 19/11/2023 15:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô tại Việt Nam là nghiên cứu của tác giả Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y Tế công cộng.

Đặt vấn đề: Trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ, quy định về Thiết bị an toàn (TBAT) tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông. Để góp phần cung cấp thêm các bằng chứng khoa học và hỗ trợ thông qua điều luật về sử dụng TBAT trên xe ô tô, Đại học Y tế công cộng tiến hành nghiên cứu tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh nhằm: Xác định tính sẵn có và khả năng tiếp cận các thiết bị an toàn trên ô tô dành cho trẻ em; Kiến thức, thái độ và hành vi và Khả năng chấp nhận chi trả của những người sở hữu ô tô cá nhân cho các thiết bị an toàn trên ô tô dành cho trẻ em. 

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng kết hợp các phương pháp tổng quan tài liệu và thông tin kết hợp với thu thập số liệu định lượng và định tính tại 3 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. 

Kết quả: Kết quả khảo sát về tình trạng sẵn có và giá bán các sản phẩm TBAT cho thấy bên cạnh các sản phẩm chính hãng, trên các sàn thương mại điện tử bán tràn lan các sản phẩm không rõ hãng sản xuất, đa số đến từ Trung Quốc có giá thành rất rẻ, chỉ từ 139.000đ đến dưới 1 triệu đồng/sản phẩm. Về các tiêu chuẩn kỹ thuật trên ô tô hiện nay, 9/10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam đã có hướng dẫn sử dụng TBAT và có chốt ISOFIX trên xe. Dựa theo khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác về tiêu chuẩn an toàn trong đó sử dụng tiêu chí chính là chiều cao trẻ <135cm cần sử dụng TBAT. Sẽ có khoảng dưới 15% trẻ em ở độ tuổi 12 thấp hơn mức chiều cao này (thấp hơn -2SD) còn lại đa phần trẻ em sẽ đạt ngưỡng qui định 150cm.

Kết quả nghiên cứu quan sát 1.102 xe ô tô cá nhân và 1.457 trẻ em từ 0 đến 10 tuổi tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có tới hơn 42% phụ huynh cho con ngồi ở ghế phụ trước trong xe ô tô, trong đó có 19,2% được người lớn ôm, bế ở ghế phụ. Tỉ lệ sử dụng TBAT rất thấp ở cả 3 thành phố, chỉ chiếm 1,3% và cao nhất ở Hà Nội là 2,6%. Tỉ lệ sử dụng TBAT ở Đà Nẵng chỉ chiếm 0,4%.

Kết quả khảo sát kiến thức và thái độ về TBAT với 756 cha mẹ và người chăm sóc trẻ 0-12 tuổi cho thấy có hơn 50% cha mẹ/NCS đã từng nghe thông tin về TBAT trước đây. Khi được hỏi về vị trí trên xe an toàn nhất cho trẻ, 36% người trả lời cho rằng ngồi ghế sau là an toàn nhất, 28% cho rằng ngồi ghế trước và 27,8% cho rằng ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng là đáp án đúng nhất. Khi được hỏi về sự cần thiết có quy định bắt buộc về TBAT hay không, cói tới 75,4% ủng hộ cần thiết có luật này. 

Khuyến nghị: Nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị về việc xây dựng các qui định pháp luật về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô và các tiếp cận để nâng cao sử dụng các thiết bị này.

Chi tiết bài nghiên cứu XEM TẠI ĐÂY.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)