Được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, vừa qua Sở GTVT Nam Định đã tiến hành triển khai và thực hiện thành công dự án “Áp dụng công nghệ đất, cát gia cố bột kết dính thủy hóa vô cơ HRB làm kết cấu móng đường GTNT” tại xóm 6, xã Giao Lạc (Giao Thuỷ).
Chất HRB (Hydraulic Road Binder) có thành phần chính là tro bay và các chất có đặc tính puzolan (là một loại vật liệu bổ sung cho xi măng để tăng độ bền và tăng cường các đặc tính vật liệu khác của bê tông). Đây là công nghệ mới sử dụng chất HRB trộn đều với đất và cát theo tỷ lệ nhất định, tạo thành hỗn hợp có tính đông kết, cường độ đàn hồi cao, thích hợp trong sử dụng làm lớp móng mặt đường giao thông thay thế lớp móng đường bằng đá cấp phối, đá dăm truyền thống, lần đầu tiên được ứng dụng tại tỉnh ta. Triển khai thực hiện dự án, Sở GTVT đã tổ chức thi công gần 6km đường ở xóm 6, xã Giao Lạc với tỷ lệ phối hợp 8,5% chất HRB với hỗn hợp vật liệu gồm 40% cát và 60% đất bãi ven sông Hồng. Việc phối trộn hỗn hợp được thực hiện theo quy trình sử dụng máy phay nông nghiệp phay đều đất, cát, sau đó trộn bột HRB và tiếp tục phay đều. Trên lớp móng đất gia cố này có phủ một lớp vữa nhựa nhũ tương, nhựa đường trộn đều với đá dăm, sau đó tiến hành lu lèn chặt. Ưu điểm của cách làm này là người dân có thể tự làm được bởi quy trình thi công đơn giản, nguyên liệu và dụng cụ có tại chỗ, nguyên, vật liệu phải mua ít nên chi phí rẻ...
Bên cạnh ưu thế về kỹ thuật do cường độ đàn hồi mặt đường cao gấp hơn 2 lần so với mặt đường làm bằng đá cấp phối, đá dăm truyền thống, công nghệ thi công đơn giản, sản phẩm vữa nhựa nhũ tương, nhựa đường thân thiện với môi trường, an toàn cho người làm đường... thì hiệu quả về kinh tế của công nghệ này có ưu thế hơn hẳn. Theo tính toán của chủ đầu tư, việc thi công xây dựng với nguồn nguyên liệu đất, cát tại chỗ trộn với chất HRB tỷ lệ 8,5%, lớp đất gia cố dày 22cm, mặt đường trải vữa nhựa Colas dày 2cm có giá thành gần 200 nghìn đồng/m2, giảm 19-23% so với giá thành thi công mặt đường bằng đá cấp phối dăm láng nhựa và giảm 28-30% so với giá thành mặt đường bê tông. Không những thế, kết cấu mặt đường vữa nhựa tạo ra lớp bảo vệ móng đường có khả năng hình thành tính liền khối, chống thấm nước cao hơn nhiều so với mặt đường láng nhũ tương nhựa đường, đồng thời mặt đường đẹp, êm thuận hơn. Sau thi công 14 ngày, độ cứng của mặt đường đã cho phép xe tải nhẹ đi được; sau 28 ngày, xe tải dưới 6 tấn đi lại bình thường.
Chủ tịch UBND xã Giao Lạc, Đinh Văn Hiền cho biết: “Kết quả bước đầu ứng dụng các vật liệu mới vào làm đường rất phù hợp với địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân đưa các vật liệu này vào “cứng hóa” các tuyến đường thôn, xóm, đường giao thông nội đồng”. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vật liệu mới này còn khắc phục được tình trạng khan hiếm vật liệu làm đường, dễ dàng thực hiện xã hội hóa công tác thi công, bảo đảm vệ sinh môi trường… Do hiệu quả kỹ thuật và kinh tế cao hơn hẳn so với thi công đường bằng các vật liệu truyền thống nên đến nay nhiều xã lân cận đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm và đăng ký chọn phương án này để làm đường liên xã, liên thôn của địa phương.
Với việc triển khai ứng dụng thành công dự án “Áp dụng công nghệ đất, cát gia cố bột kết dính thủy hóa vô cơ HRB làm kết cấu móng đường GTNT” đã tạo thêm cơ hội cho các địa phương có thêm sự lựa chọn các loại vật liệu để đẩy nhanh tiến độ “cứng hóa” đường GTNT và hệ thống đường giao thông nội đồng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Theo báo Nam Định