Tiến sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Dũng (Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong của Trường đại học Bách khoa TP.HCM) cùng một số cộng sự đã nghiên cứu thành công công trình khoa học xe gắn máy chạy với hai nhiên liệu xăng và LPG (gas).
Nói về ý tưởng để thực hiện công trình khoa học này, tiến sĩ Dũng cho biết: “Việt Nam có khoảng hơn 30 triệu người dùng xe máy, vì vậy chỉ cần 5 đến 10% trong số đó chuyển từ việc sử dụng bằng xăng sang dùng gas thì sẽ giảm được một lượng khí thải đáng kể ra môi trường. Xuất phát từ trăn trở đó, Dũng cùng những cộng sự của mình, trong đó có các bạn sinh viên đã tập trung nghiên cứu công trình thiết thực này trong vòng 2 năm”.
Theo đó, trên chiếc xe máy tay ga hiện hữu, Dũng gắn thêm một bình gas nhỏ gọn chứa từ 4 đến 5 kg gas đặt trong cốp xe. Bình cung cấp gas được gia công đặc biệt, tính toán cẩn thận về áp suất, độ bền, chất lượng để đảm bảo an toàn cho phương tiện và người khi sử dụng. Tiếp theo là nghiên cứu một hệ thống cung cấp nhiên liệu gas được thiết kế phù hợp để tích hợp vào hệ thống cung cấp nhiên liệu xăng có sẵn trong xe. Với thiết kế như trên, xe có thể chạy được 500 km mới hết nhiên liệu trong điều kiện bình thường.
Dũng nói: “Tín hiệu sẽ được truyền từ hộp điều khiển cung cấp xăng qua hộp điều khiển cung cấp gas bằng một hệ mắc song song. Vì vậy, trước khi lên xe chúng ta có thể chọn chạy chế độ bằng gas hoặc bằng xăng tùy thích thông qua một cái công tắc điều khiển rất đơn giản. Không những thế, mình đang nghiên cứu để nâng công trình khoa học này, tiến xa thêm một bước nữa là làm sao cho xe có thể sử dụng chạy bằng hai nhiên liệu cùng một lúc”.
Nói về tính ưu việt của công trình này, tiến sĩ Dũng cho rằng: “Việc kết hợp giữa hai nhiên liệu xăng và gas giúp xe có thể đi được quãng đường xa hơn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Theo tính toán, nồng độ CO phát thải giảm khi xe tăng tốc độ, lượng phát thải CO giảm trên 60% khi xe đạt tốc độ từ 40 km/giờ; nồng độ phát thải CO2 giảm hơn 10% khi sử dụng nhiên liệu khí”.
Nguồn: Thanh Niên