Hà Nội: Nghiên cứu áp dụng thẻ vé xe buýt thông minh
Bên cạnh mạng lưới xe buýt hiện có, TP Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) hiện đại như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh khối lượng lớn - BRT…
Bên cạnh mạng lưới xe buýt hiện có, TP Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) hiện đại như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh khối lượng lớn - BRT…
Đón trước sự phát triển này, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu loại thẻ vé điện tử phù hợp với mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách.
Không phải đến bây giờ, khi các dự án đường sắt đô thị, xe buýt nhanh khối lượng lớn - BRT đã dần rõ diện mạo và có thể bắt đầu khai thác từ năm 2015, các cơ quan chức năng của Hà Nội mới nghĩ đến việc triển khai thẻ vé điện tử (hay còn gọi là thẻ thông minh - smart card) cho VTHKCC. Từ năm 2008, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã thí điểm sử dụng loại thẻ này trên tuyến buýt số 32 Nhổn - Giáp Bát. Nhưng việc thí điểm này nhanh chóng thất bại bởi có quá ít hành khách sử dụng. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm lý giải, nguyên nhân chính là do hành khách đi xe buýt chủ yếu sử dụng vé liên tuyến, trong khi smart card mới được thí điểm trên một tuyến, chưa mang tính liên thông toàn mạng lưới nên bất tiện hơn vé lượt, vé tháng đang sử dụng. Tuy nhiên, thất bại này đã gợi mở cho cơ quan quản lý những giải pháp sau này, bởi trong tương lai gần, sử dụng smart card cho VTHKCC là xu hướng tất yếu.
Theo Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015, mạng lưới VTHKCC sẽ đáp ứng khoảng 40% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với mạng lưới xe buýt hiện có, dự án xe buýt nhanh - BRT, dài khoảng 14km từ Bến xe Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa đang được tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2015. Các tuyến đường sắt đô thị đang được tập trung triển khai. Nếu vẫn áp dụng hệ thống quản lý, điều hành bằng hình thức thủ công hiện nay sẽ bộc lộ nhiều hạn chế như dễ gây thất thoát; vé in vừa tốn kém vừa dễ bị làm giả, quay vòng; dễ phát sinh tiêu cực, không kiểm soát chính xác lượng khách. Hệ thống phân phối bị hạn chế về thời gian, điểm bán, không thể phục vụ hành khách 24/24h... Xây dựng hệ thống vé điện tử và thiết bị định vị GPS sẽ đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế, giảm thất thoát, giảm chi phí cho khâu phát hành vé, giảm nhân lực soát vé trên xe. Khi chuyển qua các hình thức VTHKCC hiện đại, hệ thống này cũng dễ dàng tích hợp. Đối với người dân, việc tiếp cận, thanh toán dễ dàng hơn nhiều bởi chỉ cần nạp tiền vào thẻ rồi dùng dần. Tài khoản sẽ được đầu đọc thẻ trên xe trừ dần sau mỗi lần sử dụng.
Giữa tháng 6/2013, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia giao thông, nhà quản lý nhằm xây dựng khung chính sách thẻ vé điện tử chung cho các loại hình VTHKCC. Tại hội thảo, các chuyên gia giao thông chỉ rõ, trong những công nghệ thẻ thông minh đang được áp dụng phổ biến trên thế giới gồm Calipso, FeliCa, Mifare và ISO 14443, hệ thống thẻ thông minh không tiếp xúc ISO 14443 được xem là phù hợp nhất trong điều kiện của Việt Nam hiện nay. Đây là công nghệ thẻ vé đang được áp dụng rộng rãi tại 75% số quốc gia có hệ thống giao thông công cộng phát triển. TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Tin học và tính toán (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) nhấn mạnh: Việc lựa chọn một công nghệ phù hợp làm nền tảng cho sự phát triển về sau là cần thiết, nhưng cần xem xét cả những yếu tố tương thích với điều kiện Việt Nam trong số các giải pháp còn lại để áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề cần được quan tâm hơn là lựa chọn một giải pháp tối ưu trong tương lai, đồng thời có thể áp dụng cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước chứ không riêng tại Hà Nội, Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh...
Một số chuyên gia cho rằng, các loại hình VTHKCC dù khác nhau nhưng cần được đặt trong một hệ thống quản lý chung. Một hệ thống VTHKCC tiên tiến phải tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng, trong đó một loại vé có thể đi được trên nhiều loại phương tiện. Cần tính toán để thiết kế một loại vé chung, có thể đi lại trên tất cả các tuyến, giống như vé tháng cho hành khách đi xe buýt hiện nay. Bởi nếu mỗi lần đi lại, hành khách lại phải mua một loại vé khác nhau thì quá bất tiện và phương án này có nguy cơ phá sản như vé xe buýt thông minh trên tuyến 32 trước đây.
Nguồn: HNM
toan