Nằm trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia 2015, ngày 02/12/2015, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã tổ chức hội thảo góp ý nội dung dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam "Phương pháp thí nghiệm xác định độ bền cốt liệu bê tông nhựa bằng phương pháp sử dụng sulfat hoặc magie sulfat" Mã số: TC 1537 do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị chủ trì biên soạn, chủ nhiệm ThS. Phạm Đức Hiếu.
Tham dự hội thảo, có TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, chủ trì hội thảo, các đại biểu tới từ Cục quản lý xây dựng và CLCTGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viện KHCN Xây dựng, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện hàn lâm Việt Nam và nhóm biên soạn.
Tại hội nghị, nhóm biên soạn đã trình bày tóm tắt sự cần thiết, cơ sở xây dựng và những nội dung dự thảo của tiêu chuẩn. Nhóm biên soạn sẽ chỉnh sửa và bổ sung hoàn thiện dự thảo trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu tại hội nghị.
Vật liệu dùng trong xây dựng nói chung và vật liệu bê tông nói riêng đều có tiếp xúc muối sulfat với một hàm lượng nhất định. Các ion sulfat tương tác với khoáng C3A trong xi măng tạo ra ethringit gây trương nở thể tích và phá hủy cấu trúc của bê tông. Ngoài ra, ion sulfat có thể kết hợp với các thành phần khoáng khác trong cốt liệu bê tông xi măng, bê tông nhựa gây suy giảm khả năng chịu lực của cốt liệu. Chính vì vậy, khi một số loại bê tông chịu tác động thường trực của môi trường giàu sulfat, cốt liệu trong bê tông cần được kiểm tra khả năng chịu ăn mòn sulfat trước khi đem vào sử dụng.
Trên thế giới hiện có nhiều tiêu chuẩn đánh giá độ bền sulfat của cốt liệu như ASTM C33, ASTM C88 (AASHTO T104) , EN 1367-2, EN 12620. Chúng ta đã có tiêu chuẩn quốc gia về cốt liệu cho bê tông nhưng chưa có tiêu chuẩn thử nghiệm và đánh giá độ bền sulfat.
Một số hình ảnh Hội thảo: