Không chỉ chú trọng công tác vận động sự hỗ trợ đóng góp của các mạnh thường quân trong công tác xây dựng cầu, những năm gần đây, Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Cầu đường Đồng Tháp không ngừng triển khai những tiến bộ KHKT vào xây dựng cầu đường nông thôn, nhờ đó giúp giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Khánh thành cầu Mương Khai 2 - ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông.
Hội KHKT Cầu đường Đồng Tháp là một trong những hội thành viên lâu năm nhất của Liên hiệp các Hội KHKT Đồng Tháp. Ngay từ những ngày đầu, hoạt động của Hội đã gắn liền với chương trình vận động tài trợ xây dựng giao thông nông thôn. Qua đó đã hội tụ, thu hút được những tấm lòng vàng trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện chương trình đạt những thành tích nổi bật.
Hội KHKT là tổ chức Hội nghề nghiệp, được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh. Hội có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ tri thức khoa học công nghệ cầu đường Việt Nam. Hội được thành lập cũng nhằm mục đích tổ chức huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, góp phần hoàn thành chủ trương xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo Hội đa phần là cán bộ về hưu với trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, trong đó có 2 thạc sĩ, 7 kỹ sư cầu đường.
Qua 4 năm thành lập, Hội KHKT Cầu đường Đồng Tháp phát triển toàn diện cả về tổ chức bộ máy và hiệu quả hoạt động. Qua đó, khẳng định vai trò, vị trí của Hội trong đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Hội có 8 đội thi công với gần 1 ngàn hội viên (khi mới thành lập chỉ có 120 hội viên). 4 năm qua, Hội KHKT đã tích cực vận động nguồn vốn do nhân dân tại chỗ đóng góp, từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước góp phần xây dựng trên 400 cây cầu bê tông cốt thép và hàng trăm km mét đường nông thôn với tổng kinh phí vận động tài trợ hơn 7 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công lao động. (Riêng trong 7 tháng đầu năm 2017, vận động xây dựng được 83/90 cầu nông thôn. Các công trình trên góp phần phục vụ nhu cầu đi lại cho hàng ngàn hộ dân các xã vùng sâu, vùng xa, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao lưu hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Điểm nổi bật trong hoạt động của Hội KHKT Cầu đường là xác Hội định việc vận động nguồn vốn xây dựng giao thông nông thôn là công tác mang tính xã hội từ thiện, chủ yếu giúp cho nông dân nghèo, khó khăn nên đã đề xuất với Sở Giao thông vận tải tỉnh giải pháp thi công cầu tiết kiệm, an toàn, thẩm mỹ bằng việc thiết kế bộ bảng vẽ thiết kế mẫu cầu nông thôn. Đây là bộ bảng vẽ 19 thiết kế mẫu cầu nông thôn với tải trọng từ 5 tấn trở xuống. Mục đích nhằm tạo ra sự đa dạng trong việc lựa chọn mẫu cầu tương ứng với đặc điểm địa hình và phù hợp với mức kinh phí vận động được của mỗi địa phương cho việc xây dựng cầu.
Từ năm 2014 đến nay, qua triển khai thi công theo bộ thiết kế bảng vẽ này đã giúp giảm chi phí thiết kế ban đầu mỗi cây cầu khoảng 20%. Không chỉ ứng dụng bộ bảng vẽ vào thi công cầu, những năm gần đây, Hội cũng phổ biến đến các hội viên kỹ thuật sử dụng máy khoan cọc nhồi trong xây dựng cầu nông thôn - một kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản giúp cho chất lượng công trình hiệu quả hơn, chi phí rẻ hơn và thời gian thi công nhanh hơn chỉ còn 2/3 thời gian so với trước.
Ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Đồng Tháp cho biết, trước đây để thi công một cây cầu phải thiết kế từng bản vẽ riêng biệt không theo một quy chuẩn kỹ thuật nào, nhiều khi không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới lại tốn thêm phần chi phí thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, từ khi áp dụng bộ bảng vẽ mẫu cầu nông thôn thì hoàn toàn khắc phục được các chi phí này.
Bên cạnh đó, cầu nông thôn do Hội triển khai với mục đích phục vụ nhân dân nên huy động được phần lớn người dân tham gia đóng góp ngày công lao động. Nhờ không tốn thêm khoản chi phí về nhân công, thiết kế, nên cầu nông thôn do Hội Cầu đường triển khai chỉ bằng nửa giá thành so với cách đấu thầu thi công theo phương thức truyền thống. Chính nhờ những đặc điểm này mà Hội luôn nhận được sự tin tưởng và đóng góp ngày càng nhiều của các mạnh thường quân. Hiện nay, ngoài việc nhận được sự hỗ trợ của mạnh thường quân trong nước, Hội luôn nhận được nguồn tài trợ của kiều bào nước ngoài đóng góp xây dựng công trình giao thông cho quê hương.
Cầu nông thôn được xây dựng giúp thuận tiện cho việc đi lại của người dânGiảm chi phí nhờ ứng dụng KHKT
Quyết tâm hoàn thành 300 cây cầu đến năm 2021
Nói về những thuận lợi và khó khăn trong công tác vận động xây dựng cầu nông thôn, ông Nguyễn Hải Quân cho biết, đây là hoạt động từ thiện xã hội góp phần đóng góp cho quê hương nên phần đông anh em các đội thi công đều tình nguyện thực hiện rất đông.
Ngoài lực lượng chuyên nghiệp lao động thường xuyên, khi các đội thi công có nhu cầu hỗ trợ thì chính quyền địa phương cũng huy động lực lượng thời vụ giúp đội thi công hoàn thành việc xây cầu từ thiện. Thời gian tới, các địa phương nên tích cực vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia vào công tác này nhiều hơn.
Sắp tới, bên cạnh việc tiếp tục ứng dụng KHKT trong thi công cầu mới, Hội còn đăng ký với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới trong mở rộng, nâng cấp cầu nông thôn triển khai trong năm 2018 đối với số lượng cầu tải trọng thấp, mặt nhỏ do thi công trước đây để mở rộng, nâng tải trọng, đảm bảo tiêu chí mặt cầu từ 3,5m và tải trọng từ 2,5 - 5 tấn. Theo Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có trên 2.100 cầu nông thôn nhưng những công trình xây dựng trước mặt cầu rất hẹp, khoảng 1,8 - 2m - 2,5m không thể vận chuyển hàng hóa lớn.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Quân, hiện nay các tuyến lộ liên ấp trên địa bàn tỉnh còn khoảng 300 cây cầu phải xây mới, mỗi cây cầu trung bình từ 300 triệu đồng (không tính tiền nhân công) thì phải tốn cả trăm tỷ đồng mới có khả năng hoàn thành được. Đây là một thách thức đặt ra đối với địa phương cũng như Hội KHKT Cầu đường tỉnh Đồng Tháp.
Để triển khai thực hiện, Hội thí điểm mô hình tại huyện Lai Vung. Giải pháp của địa phương là thống kê lại số lượng cầu từng ấp, từng xã làm cuốn chiếu từng ấp, trong đó huy động sức dân tại chỗ và sự hỗ trợ 25% từ nguồn ngân sách huyện. Kế hoạch này đang được UBND huyện Lai Vung, Hội KHKT cầu đường Lai Vung thực hiện cho thấy tín hiệu thành công rõ rệt (đầu năm đến nay, Hội xây dựng được 83/90 cây thì trong đó huyện Lai Vung chiếm hơn 50 cây cầu).
Từ kinh nghiệm huyện Lai Vung, Hội KHKT Cầu đường Đồng Tháp sẽ tổ chức họp mặt các Hội cầu đường của 12 huyện thị, thành phố khánh thành cầu Bào Đĩa (xã Tân Hòa, huyện Lai Vung). Qua đó, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kế hoạch để hoàn thành 300 cây cầu xây mới trong vòng 3 năm tới.
Theo ông Nguyễn Hải Quân, về nguồn lực, qua kinh nghiệm 4 năm, thực hiện vận động xây dựng cầu nông thôn, sự hỗ trợ của địa phương, các huyện và sự đồng lòng chung sức xây dựng của người dân, Hội KHKT Cầu đường tin rằng có khả năng sẽ vận động triển khai hoàn thành trong 3 năm tới. Tuy nhiên, để nhiệm vụ này hoàn thành theo hướng đề ra, các địa phương, nhất là cấp xã cần đầy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tại chỗ thấy được ý nghĩa của việc xây cầu nông thôn mà cùng góp sức xây dựng cũng như bảo dưỡng để công trình thêm giá trị. Về công tác quản lý nhà nước, các địa phương cũng cần chủ động thống kê lại số lượng cầu nông thôn cần được duy tu, sửa chữa xây mới một cách chính xác, trên cơ sở đó để có sự vận động hỗ trợ phù hợp...
Cũng theo ông Nguyễn Hải Quân, hiện nay các tuyến lộ liên ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn khoảng 300 cây cầu phải xây mới, mỗi cây cầu trung bình từ 300 triệu đồng (không tính tiền nhân công) thì phải tốn cả trăm tỷ đồng mới có khả năng hoàn thành được. |