Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh ra mắt nhóm nghiên cứu mạnh

Thứ năm, 13/02/2020 08:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM vừa ký quyết định số 16/QĐ-ĐHGTVT thành lập nhóm nghiên cứu mạnh gồm 07 thành viên, trong đó có GS.TS Meisam Tabatabaei Pozveh đến từ Đại học Teknologi MARA Malaysia.

Ngày 10/02/2020, tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhóm nghiên cứu mạnh đã ra mắt và triển khai chương trình hoạt động của nhóm trong thời gian tới. Tham dự buổi ra mắt, có PGS.TS Đồng Văn Hướng, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cùng các thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh.

Nhóm nghiên cứu mạnh trao đổi các hướng nghiên cứu trong thời gian sắp tới

Tại buổi gặp mặt, nhóm nghiên cứu mạnh đã đề xuất một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu trong thời gian sắp tới như: Nghiên cứu phát triển công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải; Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trong giao thông vận tải đồng thời kích thích và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên. 

PGS.TS Đồng Văn Hướng cùng các thành viên trong nhóm NC mạnh
của trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

Kế hoạch đối với nhóm nghiên cứu mạnh là mỗi năm phải công bố ít nhất 10 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín nằm trong danh mục ISI/Scopus, trong đó có ít nhất 3 công trình ISI hạng Q1. Hoạt động gần nhất của nhóm là nghiên cứu phụ gia mới giảm thiểu phát thải của động cơ và đã được tiến hành thử nghiệm ở phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Việc thành lập nhóm nghiên cứu mạnh có ý nghĩa rất lớn đối với Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Mục tiêu cốt lõi của Trường khi thành lập nhóm nghiên cứu mạnh là để tập trung nghiên cứu các vấn đề thời sự của xã hội, nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và các tổ chức. Bên cạnh đó, nhóm NCM cũng có trách nhiệm định hướng nghiên cứu và giúp đỡ các NCS, HV cao học và sinh viên tổ chức công tác nghiên cứu một cách hiệu quả về các vấn đề khoa học mang tính thực tiễn.

Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ là hạt nhân, môi trường tốt cho các hoạt động nghiên cứu có định hướng, trong đó sự chia sẻ tri thức và tinh thần sáng tạo sẽ được đề cao. Việc triển khai xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ giúp hình thành nên những tập thể khoa học mạnh, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, mang tính dài hạn. Điều này không chỉ giúp nâng cao số lượng các công trình công bố quốc tế, giải pháp hữu ích, mà còn tăng cường khả năng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đào tạo sau đại học và xếp hạng đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

TIÊU CHÍ CỦA NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH TRƯỜNG ĐH GIAO THÔNG VẬN TẢI TP.HCM

Trưởng nhóm phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Là nhà khoa học có uy tín, có năng lực tổ chức, tập hợp các nhà khoa học, có khả năng định hướng phát triển, xây dựng và điều phối triển khai các nhiệm vụ KH&CN;

- Đã chủ trì thực hiện thành công ít nhất 01 đề tài KH&CN cấp Bộ hay tương đương trở lên;

- Trong vòng 05 năm trước thời điểm đăng ký, phải là tác giả chính của ít nhất 03 công trình khoa học công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI (hạng Q1) và 03 công trình khoa học công bố trên tạp chí thuộc danh mục Scopus (từ Q2 trở lên). Có chí số H-index (trên Scopus) lớn hơn hoặc bằng 12.

Trách nhiệm của nhóm nghiên cứu mạnh:

- Hàng năm công bố ít nhất 02 bài SCI/SCIE; 02 bài Scopus trên các nhà xuất bản có uy tín;

- Tạo ra các sản phẩm và cung cấp các dịch vụ KH&CN chất lượng cao;

- Trực tiếp tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao; 

- Tập hợp, kết nối nguồn lực giữa các trường đại học trong và ngoài nước, thu hút nguồn lực bên ngoài Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh; 

- Xây dựng và quảng bá thương hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh

Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)