Tập đoàn đa quốc gia trong ngành thép ArcelorMittal (có trụ sở tại Luxemburg) sẽ phối hợp cùng Viện Công nghệ Ấn Độ xây dựng dự án thử nghiệm tàu điện siêu tốc qua ống chân không, còn gọi là Hyperloop, đầu tiên tại Ấn Độ.
ArcelorMittal và Công ty liên doanh ArcelorMittal Nippon Steel India cùng Viện Công nghệ Ấn Độ sẽ cung cấp vật liệu và nguồn lực kỹ thuật để xây dựng cơ sở thử ngiệm Hyperloop đầu tiên của châu Á tại tại bãi thí nghiệm khám phá Discovery Campus của IIT Madras tại ngoại ô thành phố Chennai, thuộc bang Tamil Nadu, phía Nam của Ấn Độ.
Hyperloop là khái niệm công nghệ vận tải trên mặt đất, dành cho cả hành khách và hàng hoá, trong đó các khoang bên trong ống chân không sẽ tăng tốc thông qua hệ thống đẩy ở tốc độ cực cao.
Ảnh minh hoạ tàu chạy trong ống chân không.
Điều kiện gần như chân không bên trong lòng ống, cho phép tàu đi với tốc độ siêu nhanh, có thể lên tới 1.000km/h, trong khi có mức tiêu thụ năng lượng thấp.
Trong dự án này, các công ty sẽ xây dựng đoạn đường ống dự kiến dài 400m và toa tàu thử nghiệm.
ArcelorMittal sẽ cung cấp nhân sự, bao gồm cả các kỹ sư cao cấp và vật liệu cần thiết cho công trình này, nổi bật là 400 tấn thép chuyên dụng.
Sau giai đoạn thử nghiệm, các bên sẽ phát triển một tuyến đường thí điểm để đánh giá tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế của sáng kiến này trước khi đưa vào sử dụng trong thực tế nếu thành công.
Nhiều chuyên gia nhận định những ưu điểm nổi bật của công nghệ tàu siêu tốc ống chân không Hyperloop là hiệu quả về thời gian và năng lượng so với các phương tiện như tàu siêu tốc đệm từ và máy bay, ít gây tác hại tới môi trường hơn do sử dụng điện và di chuyển hoàn toàn trong ống kín, cùng khả năng vận chuyển số lượng hành khách lớn.
P.V