Bắc Ninh: Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho thanh, thiếu niên

Thứ tư, 17/07/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trước những diễn biến phức tạp về trật tự an toàn giao thông, hàng loạt giải pháp như: đưa việc giảng dạy Luật Giao thông đường bộ vào trường học; tăng mức xử phạt vi phạm; quy định về chất lượng thiết bị và việc sử dụng, khai thác dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình ô tô; siết chặt quản lý hoạt động vận tải... đã được các cơ quan chức năng đưa ra. Song chắc chắn khi ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa được nâng lên thì số vụ vi phạm chưa thể giảm xuống.
Trước những diễn biến phức tạp về trật tự an toàn giao thông, hàng loạt giải pháp như: đưa việc giảng dạy Luật Giao thông đường bộ vào trường học; tăng mức xử phạt vi phạm; quy định về chất lượng thiết bị và việc sử dụng, khai thác dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình ô tô; siết chặt quản lý hoạt động vận tải... đã được các cơ quan chức năng đưa ra. Song chắc chắn khi ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa được nâng lên thì số vụ vi phạm chưa thể giảm xuống.

Những năm gần đây, giáo dục văn hoá giao thông cho học sinh được ngành GD- ĐT quan tâm. Luật Giao thông đường bộ được đưa vào chương trình ngoại khoá ở các cấp học. Nhiều cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ cũng được ngành GD-ĐT phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức xã hội và các đơn vị tài trợ tổ chức; Phòng CSGT (Công an tỉnh) liên tục mở các buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường học, các KCN… đã góp phần thúc đẩy học sinh và người dân tìm hiểu, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên trong thực tế, tình trạng học sinh tham gia giao thông không thực hiện nghiêm túc các quy định trong Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra. Dạo qua các phố ở thành phố Bắc Ninh có thể dễ dàng nhận thấy ý thức chấp hành Luật Giao thông của học sinh còn yếu. Chuyện dàn hàng ngang trên đường, vừa đi xe, vừa nô đùa là những hình ảnh thường thấy trên đường phố vào giờ tan học. Tại các nút giao thông, trong khi mọi người dừng lại trước đèn đỏ thì không ít em mặc đồng phục học sinh vẫn phóng xe qua. Không phải là các em không biết luật mà một bộ phận các em thiếu ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.

Trong năm học, cứ đến giờ tan lớp các cổng trường, nhất là bậc tiểu học lại đông nghẹt phụ huynh, người nhà chờ đón con em. Học sinh được người nhà tới đón tung tăng xách cặp chạy ào qua đường, bất chấp các phương tiện giao thông đang lưu thông, rất dễ xảy ra tai nạn nguy hiểm. Nhiều em tràn xuống lòng đường, sà vào gánh hàng rong, xe đẩy, vừa đùa nghịch và mua đồ ăn vặt… gây khó khăn cho người cùng tham gia giao thông.

Để tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh, sinh viên ngoài việc đầu tư kinh phí, đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT vào các giờ giảng dạy chính khoá, ngoại khoá, ngành GD-ĐT cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục, quản lý và có biện pháp xử lý các học sinh, sinh viên vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong cán bộ, giáo viên, học sinh; tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên ký thực hiện cam kết không vi phạm trật tự ATGT; duy trì mô hình “Cổng trường ATGT”; phối hợp với gia đình và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT như tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; cùng các ngành có liên quan tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về ATGT trong khối trường học dưới nhiều hình thức.

Các trường học cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh duy trì thường xuyên cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”; tổ chức tập huấn Luật Giao thông đường bộ cho đội ngũ cán bộ Đoàn cấp cơ sở; giao lưu tọa đàm, hội thảo, hội thi về văn hóa giao thông; vận động đoàn viên, thanh niên đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; phát huy vai trò của đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ, thanh niên tình nguyện tham gia giữ trật tự ATGT. Đặc biệt khi các em học sinh vi phạm Luật Giao thông kiên quyết gửi thông báo đến nhà trường, gia đình, khu dân cư để xử lý, giáo dục kịp thời.

Việc giáo dục pháp luật về ATGT cho thanh, thiếu niên theo phương pháp “mưa dầm thấm sâu” có thể là biện pháp hữu hiệu góp phần xây dựng văn hóa giao thông trở thành nền nếp trong thanh, thiếu niên nói riêng và cộng đồng nói chung.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)